Thổi giá thiết bị y tế: Tại “Anh” bệnh viện... tại “Ả” công ty?

Google News

(Kiến Thức) - Đại biểu Sơn đặt câu hỏi, có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương và tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác?

Thảo luận tại phiên họp Quốc hội ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) quan tâm tới thực trạng lợi dụng dịch bệnh COVID-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho phòng, chống dịch.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, kết quả điều tra vụ án xảy ra CDC Hà Nội cho thấy các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.
Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ: Có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương và tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác?
Thoi gia thiet bi y te: Tai “Anh” benh vien... tai “A” cong ty?
 Bệnh viện Bạch Mai.
“Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ”, đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu.
Những ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Sơn như trên cũng là sự quan tâm của đông đảo dư luận. Nhìn lại một số vụ việc thổi giá thiết bị y tế cho thấy, nguyên nhân đều tại “anh” bệnh viện và tại “ả” công ty.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và một số đơn vị liên quan; đồng thời chuyển hồ sơ vụ án tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc trung tâm này cùng các đồng phạm trong vụ án.
Qua đó, dư luận biết thêm được những chiêu trò, những thỏa thuận ngầm nhằm nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 ở CDC Hà Nội, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội mua theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống xét nghiệm PCR tự động khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Kết luận điều tra xác định ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội có nhiều sai phạm trong chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm PCR. Các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm tự động PCR gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Mới đây, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, và một số công ty, đơn vị liên quan. Sự việc xảy ra khi vụ nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 ở CDC Hà Nội chưa kịp lắng xuống
Bước đầu cơ quan chức năng xác định 2 lãnh đạo công ty cổ phần Công nghệ Y tế có hành vi nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.
Hai thiết bị phẫu thuật robot Rosa và Mako có tổng giá trị đầu tư là 39 tỷ đồng. Thiết bị đã được niêm phong từ tháng 4 phục vụ điều tra. Khi liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để triển khai kỹ thuật này, Công ty cổ phần Công nghệ Y tế đã nâng giá thiết bị lên gần 4 lần so với giá trị thực.
Qua điều tra cho thấy, từ năm 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca mổ thần kinh và cơ xương khớp bằng thiết bị này, với số tiền chênh lệch mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh khoảng 10 tỷ đồng. Đây là kỹ thuật mới nên chưa được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế.
Vụ việc trên cho thấy, bệnh viện cho doanh nghiệp vào đặt máy, sau đó ăn chia theo tỷ lệ khác nhau, tuy nhiên khi thực hiện không có sự giám sát, đối chiếu giữa bảng giá được công khai, niêm yết, vô hình chung đã cho những đối tượng cơ hội trục lợi, thổi phồng, nâng giá. Đồng thời cho thấy nhiều kẽ hở trong quản lý thiết bị y tế tại bệnh viện để trục lợi người bệnh
Lãnh đạo Bộ Y tế từng cho biết, việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đầu tư đã nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cho cơ sở khám chữa bệnh trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Dù vậy, vẫn còn những bất cập trong việc xác định giá trị thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết, dẫn đến tình trạng có cơ chế 2 giá dịch vụ trong 1 đơn vị; lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa.
Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết ồ ạt, thiếu sự kiểm soát hợp lý của cấp có thẩm quyền tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm trong hợp tác và phân chia lợi nhuận. Từ đó, tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp bên ngoài đưa máy móc để trục lợi; đưa hóa chất độc quyền do chính mình cung cấp vào liên kết với BV, gây phụ thuộc nguồn cung và giá thành hóa chất...
Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức khai trương Cổng điện tử, công khai giá niêm yết trang thiết bị y tế. Đây được coi là một công cụ giúp công khai, minh bạch thông tin giá trang thiết bị y tế trong mua sắm, đấu thầu, không để tình trạng "thổi giá", "đội giá".
Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng thẩm định, cấp phép trang thiết bị và chấn chỉnh việc đấu thầu, liên kết liên doanh trong việc đầu tư trang thiết máy móc tại các cơ sở y tế. Cùng với đó sẽ phối hợp với cơ quan hải quan để làm lành mạnh lại thị trường. Mục đích cuối cùng là đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng với giá trị thực.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đề nghị truy tố Giám đốc CDC Hà Nội và các bị can

Nguồn: ANTV


Tâm Đức