Tốc độ virus lây gấp 2-3 lần

Google News

Chu kỳ lây nhiễm của SARS-CoV-2 hiện chỉ còn 2 ngày, không phải 5 ngày như trước. Các địa phương, đặc biệt là TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, đang đối mặt sự bùng phát rất phức tạp, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc và tử vong thời gian tới.

Toc do virus lay gap 2-3 lan
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng Ảnh: TL
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm qua nhận định như trên tại Hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố. Ông nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển KT-XH, nhất là các địa phương miền Nam. Ông thông tin, biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với trước, “chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày, chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán”.
Thay đổi chiến lược xét nghiệm tại vùng nguy cơ cao
Trước bối cảnh tình hình dịch phức tạp, lan rộng, số ca mắc tăng rất nhanh, Bộ Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong cách ly như giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 14 ngày, thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bộ Y tế cũng thay đổi chiến lược về xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ cao. Theo đó, trước đây xét nghiệm RT-PCR là chính, nay test nhanh là chính. Điều này giúp giảm thời gian, tối ưu hoá xét nghiệm, trả kết quả nhanh để nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng.
Để đảm bảo tiết kiệm và đẩy tốc độ trong sử dụng test nhanh, Bộ Y tế chính thức cho phép gộp 3 hoặc 5 mẫu trong test nhanh ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao. Ông Long nhấn mạnh, đây là sự thay đổi rất căn bản, quan trọng trong xét nghiệm. “Chúng ta cách ly những vùng lõi, phong toả, vùng nguy cơ rất cao; test nhanh 3-5 ngày/lần, khi phát hiện ca nghi nhiễm là lấy mẫu làm ngay RT-PCR khẳng định. Mục tiêu của chiến lược này là làm sao trả kết quả xét nghiệm càng nhanh càng tốt để giảm tốc độ lây nhiễm với cộng đồng. Hiện TPHCM và một số địa phương đang thực hiện tốt điều này. Nhưng việc khẳng định ca dương tính vẫn phải dùng RT- PCR”, ông nói. Với vùng nguy cơ cao, không nên gộp mẫu nhiều (chỉ nên gộp 5), vì nếu phát hiện dương tính vẫn phải quay lại lấy mẫu đơn để xét nghiệm, rất mất thời gian. “Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ cấp thêm máy móc, sinh phẩm trong thời gian trước mắt, nhưng các địa phương không được bị động, trông chờ vào Trung ương”, ông lưu ý.
Kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến, tư lệnh ngành Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị tình huống kịch bản xấu. Các địa phương cần nhanh chóng nâng công suất, năng lực xét nghiệm và cách ly. Về máy móc, trang thiết bị, vẫn theo quan điểm “4 tại chỗ”, các địa phương cần chuẩn bị tất cả máy móc cơ bản nhất, như máy thở… Đối với ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), ông lưu ý, những địa phương thành lập trung tâm hồi sức tích cực mới cần trang bị hệ thống này, không phải mọi tuyến đều có vì “EMCO đi kèm một loạt thứ khác, không phải nơi nào cũng dùng được”. Bộ Y tế đã chuẩn bị đủ ôxy cho kịch bản số ca nhiễm cao hơn. “Một số địa phương có nguy cơ thiếu ôxy nếu dịch xảy ra, lây nhiễm trên địa bàn cục bộ”, ông nói.
Tỷ lệ tử vong tiệm cận thế giới
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên, dường như trở thành gánh nặng y tế rất lớn cho TPHCM và một số tỉnh như Đồng Tháp. Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải hỗ trợ ôxy, thở máy chức năng cao, ECMO đang tăng cao; một số địa phương thiếu máy thở. Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ tử vong của cả nước là 0,43%, nhưng tại TPHCM là hơn 0,6%, tại Đồng Tháp còn cao hơn. “Chứng tỏ chúng ta cũng đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Do đó, cần hết sức lưu ý trong tình trạng bệnh nhân trở nặng, bắt buộc sử dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị”, ông Sơn nói.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho rằng, tất cả các khu vực đều cần chuẩn bị ôxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, đề phòng bệnh nhân đổi trạng thái từ nhẹ sang nặng.
Theo Hà Minh/Tiền Phong