Bề mặt bê tông không bằng phẳng
Mặc dù mặt cầu Bạch Đằng có nhiều dợn sóng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho các phương tiện khi lưu thông trên cầu với tốc độ cao, nhưng ông Lê Minh Trà (tư vấn công nghệ dự án) vẫn khẳng định, các thông số kỹ thuật từ quan trắc cho thấy tình trạng cây cầu này vẫn ổn định; các thông số về ứng suất trong kết cấu dầm, trụ tháp, biến dạng của kết cấu, độ võng của kết cấu nhịp, lực căng của cáp dây văng... đều nằm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, trước khi trải thảm lớp “áo đường”, phía tư vấn thiết kế đã nhận thấy bề mặt bê tông không bằng phẳng, dẫn đến độ “êm thuận” của mặt cầu không tốt. Để khắc phục tình trạng này, phía dự án đã tiến hành tổng hợp số liệu quan trắc từ tháng 8 đến tháng 10, qua đó khẳng định kết cấu cầu an toàn, độ võng xuống 2 cm là có trong tính toán.
|
Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng không bằng phẳng của mặt cầu Bạch Đằng. |
Trước nghi ngờ của lái xe và người dân về sự không bằng phẳng trên bề mặt cầu Bạch Đằng có thể liên quan đến chất lượng thi công, ông Hoàng Quốc Cường, tư vấn giám sát trưởng dự án cho hay, trong thiết kế đã tính 1 đường cong sau 30 năm, nhưng thi công theo đường vồng thực tế và sau 30 năm sẽ đưa về hình cong đều. Tại vị trí hợp long, tư vấn thiết kế đưa ra độ chênh cao so với cả 30 năm là 25cm, điểm đổi dốc chênh 14cm.
Ông Hoàng Quốc Cường cho rằng, nếu trong phạm vi 20m mà chênh nhau tới 14cm thì đương nhiên sẽ vồng lên, nhưng đó là thiết kế như thế và thực tế thi công đã bám theo thiết kế.
Mất bao nhiêu chi phí để tiến hành bù vênh?
Đại diện phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Bạch Đằng cho biết, thời điểm này khi cầu đã ở trạng thái ổn định có thể tiến hành bù vênh (bù phụ). Chỉ cần 200 – 300 tấn thảm bê-tông để bù vênh và vuốt đường cong êm thuận thì sẽ khắc phục được tình trạng không bằng phẳng trên mặt cầu Bạch Đằng.
Ông Hòa cũng lý giải, sau khi hợp long phải mất 1 tháng để tiến hành căn chỉnh nội lực của tất cả dây văng, để đảm bảo dây văng hoạt động đều. Khi đúc hẫng cân bằng, tải trọng của 2 bên khối đúc phải đều, nếu không sẽ tạo chênh lệch. Trong khi đó, trước những lo ngại việc cầu Bạch Đằng có an toàn khi phải "cõng" thêm 300 tấn thảm bê-tông để bù vênh.
|
Theo tính toán, phải cần tới 300 tấn thảm bê-tông để bù vênh mặt cầu Bạch Đằng. |
Ông Đặng Hùng, Phó giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong thiết kế bao giờ cũng có hệ số an toàn, có tính những hệ số vượt tải nhất định nên việc thêm 300 tấn thảm bê-tông lên mặt cầu Bạch Đằng là có thể được. Tuy nhiên, việc tốn bao nhiêu chi phí cho việc bù vênh (bù phụ) để mặt cầu Bạch Đằng được “êm thuận” đang là dấu chấm hỏi (?).
Phản ứng của nhân dân hoàn toàn chính đáng
"Mặt cầu Bạch Đằng không bằng phẳng, điều này hoàn toàn dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường, không cần đo vẽ" là khẳng định của ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông Vũ Văn Diện còn nhấn mạnh: phản ứng của người dân trước tình trạng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên cầu Bạch Đằng là hoàn toàn chính đáng. Vì thế đơn vị liên quan cần có giải pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng công trình đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
|
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị phải có phương án đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. |
Cầu Bạch Đằng là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam từ khâu thiết kế, giám sát đến thi công. Ngoài ra, từ khi có cầu Bạch Đằng, lượng khách du lịch, nhà đầu tư quan tâm tới tỉnh Quảng Ninh nhiều hơn.
Vì thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần nghiêm túc rà soát, khắc phục những hạn chế trên mặt cầu Bạch Đằng để không còn những hoài nghi từ nhân dân về chất lượng công trình và đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua cầu. Về giải pháp, cách thức triển khai, biện pháp thi công... ông Vũ Văn Diện cũng yêu cầu phía Công ty Cổ phần BOT Bạch Đằng cùng với các đơn vị tư vấn rà soát, xem xét đảm bảo đúng quy trình, tuân thủ chặt chẽ những tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình./.
Theo Quốc An/VOV-Đông Bắc