Tranh cãi thủy điện nhỏ gây lũ: Chuyên gia nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Thủy điện nhỏ chặn các sông, suối làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối. Tuy nhiên, việc thủy điện nhỏ xả lũ gây ảnh hưởng cho hạ lưu thì không có.

Liên quan đến mưa lũ và ngập lụt diện rộng ở miền Trung, nhiều ý kiến tranh cãi thủy điện nhỏ gây lũ.
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, thủy điện nhỏ không có dung tích phòng lũ cho hạ lưu.
“Thủy điện nhỏ chặn các sông, suối làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông suối. Tuy nhiên, việc thủy điện nhỏ xả lũ gây ảnh hưởng cho hạ lưu thì không có. Nhưng khi chặn dòng, làm thay đổi dòng chảy hạ lưu. Phần trên thì ghềnh lên, phần dưới không chứa được nên lũ bao nhiêu xả bấy nhiêu.
Tất nhiên, cũng có một số thủy điện cũng có dung tích nhất định khi lũ đến buộc phải xả một lượng dung tích ở trong hồ ra, có thể tăng phần tác động lũ của hạ lưu. Nhưng số này không nhiều” - PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết.
Tranh cai thuy dien nho gay lu: Chuyen gia noi gi?
Nhà máy Thủy điện Alin B1 đang được thi công. Ảnh: NLD 
PGS.TS Đào Trọng Tứ khẳng định, chủ yếu vẫn là do chặn dòng chảy, khi thủy điện ở thượng nguồn xả xuống hạ nguồn sẽ làm cho dòng chảy ở dưới hạ lưu phức tạp hơn, chứ thủy điện nhỏ không có chuyện xả lũ và gây lũ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nói ngập lụt do hồ chứa xả lũ thì vừa đúng, vừa sai. Bởi hồ chứa thủy lợi và hồ thủy điện khu vực này rất nhiều. Toàn bộ Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một phần Bắc Trung Bộ có 2.332 hồ chứa. Trong đó khoảng 250 hồ chứa thủy điện, còn lại là hồ thủy lợi. Nguyên tắc của các hồ là tích nước vào mùa lũ, cấp nước vào mùa khô.
Tuy nhiên cần phân biệt rõ thế nào là xả lũ và cắt lũ. Khi lượng nước về hồ lớn hơn lưu lượng xả ra, tức là nạp vào rất nhiều mà xả ít, khi đó hồ chứa đang cắt lũ cho hạ du. Trong một số trường hợp khẩn cấp, lượng nước xả xuống hạ du nhiều hơn lượng đổ về hồ, đó là xả lũ.
“Ở miền Trung hai lưu vực sông rất quan trọng là sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn. Đợt mưa lũ vừa qua ở Thừa Thiên Huế, bằng cách điều hành của chúng tôi, đã giảm lũ cho Huế xuống tối đa 0,85 m. Chúng ta cứ hình dung như thế này, không có sự điều hành hồ chứa thì lũ ở TP Huế sẽ cao hơn gần 1m nữa. Như vậy có thể thấy, nếu các hồ chứa, thủy điện phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định tích nước, xả nước thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc cắt lũ” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các thủy điện phối hợp thực hiện rất nghiêm theo lệnh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Nhưng một số thủy điện, đặc biệt loại công suất lắp máy 10-15 MW, hồ chứa không có dung tích phòng lũ. Nguyên tắc vận hành của thủy điện nhỏ là trước khi có lũ phải xả bớt đi, hạ du không có lũ cứ xả, lũ về mới tích nước lại. Tuy nhiên, khi dự báo lũ, thủy điện nhỏ có thể tiếc nước, xả rất ít, hoặc xả không theo quy trình. Lũ về lớn, họ phải xả, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ cho hạ du.
“Hầu hết thủy điện nhỏ đều chưa có thiết bị đo lưu lượng nước vào và ra, truyền tự động về trung tâm điều hành địa phương” - ông Hiệp khẳng định và cho biết đã nhận ra những bất cập trong quản lý các thủy điện nhỏ và đã bàn với Bộ Công Thương để khắc phục trong thời gian tới.
Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thừa nhận, thực tế phần lớn các thủy điện nhỏ và vừa hiện nay thường không tuân thủ quy định khi vận hành xả lũ.
"Mặc dù đã có quy định khi vận hành xả lũ các thủy điện phải kết nối với trung tâm điều hành của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng tôi đi kiểm tra thực tế thì phần lớn các thủy điện nhỏ và vừa đều không tuân thủ theo quy định này. Do đó, không thể biết thời điểm nào họ xả lũ và xả khối lượng bao nhiêu", - ông Hiệp cho biết. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến mưa lũ miền Trung:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh