Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông: Vạch trần thủ đoạn của Bắc Kinh

Google News

(Kiến Thức) - Việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá gồm bao gồm một số vùng biển của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982…

Trung Quốc mới đây đã đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè kéo dài 3 tháng rưỡi (từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8) trong phạm vi từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough.
Đáng chú ý, Trung Quốc ngang ngược áp dụng lệnh cấm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm.
Trung Quoc cam danh bat ca tren Bien Dong: Vach tran thu doan cua Bac Kinh
 Ảnh minh họa.
Tân Hoa xã, dẫn thông báo từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc, 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3 tháng rưỡi và lực lượng này sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt theo cái gọi là quy định và luật pháp liên quan.
Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu được Trung Quốc ngang nhiên áp đặt đơn phương vào năm 1999 bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia trong khu vực.
Thậm chí Bắc Kinh còn vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần và liên tục phản đối và kịch liệt bác bỏ việc Trung Quốc đơn phương ra quyết định áp dụng cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.
Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc.
Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Thậm chí, quy chế cấm đánh bắt còn vi phạm Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Việt Nam và Trung Quốc (ký năm 2011).
Mới đây, ngày 4/5, Hội nghề cá Việt Nam gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, đề cập nội dung trên.
"Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình", Hội nghề cá nêu và bày tỏ "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc" - Hội nghề cá Việt Nam nêu rõ.
Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế khác.
Do vậy, Hội nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc; tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân.
Theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền trong các vùng biển như nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong các vùng biển này, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguồn tài nguyên cá, là một trong những nội dung của chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.
Ở vùng nội thuỷ và lãnh hải, xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ, mọi hoạt động liên quan đến khai thác, quản lý hay bảo tồn nguồn tài nguyên cá sẽ thuộc thẩm quyền của quốc gia ven biển. Điều 19 UNCLOS quy định tàu thuyền nước ngoài được “đi qua không gây hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển và không được tiến hành một số hoạt động trong đó có hoạt động đánh bắt cá.
Ở vùng đặc quyền kinh tế (bao trùm lên cả vùng tiếp giáp lãnh hải), quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật, trong đó có nguồn tài nguyên cá theo quy định tại Điều 56 UNCLOS. Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến các nội dung sau: bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật; khai thác nguồn tài nguyên sinh vật; thi hành các luật và quy định của quốc gia ven biển.
Ở thềm lục địa, đối với các sinh vật thuộc loài định cư, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền trong thăm dò và khai thác các tài nguyên này.
Ngoài các quy định về đánh bắt cá trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia, UNCLOS còn quy định về hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển quốc tế. Ở vùng biển này, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do biển cả với các nội dung bao gồm cả quyền tự do đánh bắt cá. Hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế được sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia mà tàu treo cờ và các quy định của pháp luật quốc tế. UNCLOS đồng thời quy định nghĩa vụ của quốc gia phải tự mình, hoặc hợp tác với các quốc gia khác, để xác định các biện pháp cần thiết nhằm bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển quốc tế, trong đó có tài nguyên cá.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp có những hành động khiêu khích tại vùng biển này như ngang ngược lập quận kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng ngang ngược công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông, trong đó có các thực thể nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, thậm chí cả những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mới đây, nước này còn ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là hai quận đảo trước thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
>>> Mời độc giả xem video Trung Quốc ngang ngược cấm bắt cá trên biển Đông

Nguồn: VTC 16.

Tâm Đức