Trung Quốc mưu đồ gì khi coi Biển Đông, đỉnh Everest là “ao nhà”?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Trung Quốc tự coi Biển Đông, đỉnh Everest là “ao nhà” của mình cho thấy sự ngang ngược, dã tâm bất tận, thể hiện âm mưu độc chiếm phi pháp lãnh thổ, lãnh hải các quốc gia khác của Bắc Kinh là rất lớn.

Mới đây, dân chúng Nepal bất bình, phẫn nộ phản ứng khi mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đăng những tấm hình ở khu vực đỉnh Everest trên Twitter và ghi chú thích: “đỉnh Chomolungma (tên Trung Quốc gọi Everest) là đỉnh núi cao nhất thế giới nằm trong khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc”.
Người dùng Twitter Nepal đã khởi xướng trào lưu #backoffchina (Trung Quốc tránh ra) trên mạng xã hội vì cho rằng CGTN đã giành toàn bộ đỉnh Everest về lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi, Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới nằm trên đường biên giữa Nepal và Trung Quốc, 2 sườn của ngọn núi nằm về 2 phía lãnh thổ của hai nước. Nhiều người Nepal đã yêu cầu đại sứ Trung Quốc tại Nepal phải làm rõ thông điệp từ CGTN.
Trung Quoc muu do gi khi coi Bien Dong, dinh Everest la “ao nha”?
Bài đăng trên Twitter gây tranh cãi của CGTN về đỉnh  Everest.
Nepal từng tuyên bố đỉnh Everest nằm trên lãnh thổ của mình khi Thủ tướng Bishweshwar Prasad Koirala đang có chuyến thăm ở Trung Quốc, tạo ra cuộc tranh cãi chủ quyền đối với ngọn núi giữa hai nước từ những năm 1960 đến nay.
Một tài liệu do Trung Quốc công bố năm 1998 cho thấy Bắc Kinh từng đề nghị chia đôi đỉnh núi này với Nepal. Vua Mahendra của Nepal năm 1961 tuyên bố toàn bộ đỉnh Everest nằm trong lãnh thổ nước này.
Với thủ đoạn tương tự biến đỉnh Everest thành "ao nhà", Trung Quốc cũng từng đưa ra các luận điệu xuyên tạc sai trái về biển Đông, đồng thời liên tiếp tái diễn những hành động gây hấn với các quốc gia tại biển Đông nhằm thực hiện âm mưu bá quyền, độc chiếm biển Đông của nước này.
Cụ thể, mới đây, trong nỗ lực tuyên truyền cho sự đoàn kết giữa Trung Quốc và Philippines trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines phát hành một bài hát có tên Iisang dagat, do đại sứ Trung Quốc viết lời. Tuy nhiên, bài hát này nhanh chóng khiến người dân Philippines tức giận.
Tại một diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Báo chí nước ngoài Philippines tổ chức 27/4, cựu phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cũng đề cập tới bài hát này. Theo đó, Iisang dagat nghĩa là "Một vùng biển", nhưng nội dung của nó thực chất là "Một vùng biển, nhưng nó của chúng tôi" - ông Carpio nói.
Trung Quốc cũng không ít lần đưa ra những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật khi báo chí nước này liên tục đưa tin giả về biển Đông như việc đổ lỗi cho “tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của Bắc Kinh”, “Việt Nam đã cố gắng đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài và sau đó đánh lừa công chúng bằng những tuyên bố sai trái và các cáo buộc chống lại Trung Quốc”… trong khi thực tế, tàu cá QNg 90617 TS và tám ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường hoạt động thực địa trên Biển Đông. Cụ thể, ngày 22/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila phản đối việc tàu chiến Trung Quốc đã chĩa pháo vào tàu tuần tra BRP Conrado Yap đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ lãnh hải trên Biển Đông vào ngày 17/2 vừa qua.
Nhà phân tích quốc phòng, cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jose Antonio Custodio nhấn mạnh: “Việc tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực và quay pháo hướng vào tàu Philippines là không thể chấp nhận được, vì đây là hành động thù địch có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, cuối cùng là xung đột”.
Vào cuối tháng 4/2020, Trung Quốc đã điều đội tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 đầy tranh cãi vào biển Đông và bị Malaysia lên tiếng cảnh giác vì hành vi quấy phá khai thác kinh tế. Ngoài ra nước này cũng ngang ngược ngăn cản các quốc gia khác thăm dò dầu khí ngoài khơi.
Trước đó, đầu tháng 4, Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh, tàu dân quân biển là lực lượng vũ trang trá hình hoạt động xua đuổi các ngư dân Việt Nam đánh cá trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điển hình nhất là 2/4 vừa rồi đã đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi, bắt 8 ngư dân.
Gần đây, Trung Quốc cũng ngang ngược áp đặt nội luật của nước này vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình. Cụ thể là việc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8/2020 bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough và triển khai biện pháp thực thi thông báo này.
Âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc còn được nước này hiện thực hóa, hợp lý hoá bằng pháp lý khi ngày 18/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chính phủ nước này đã phê chuẩn thành lập "thành phố Tam Sa" ở Biển Đông, bao gồm "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Một ngày sau đó, Trung Quốc tiếp tục công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông, bao gồm 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển.
Tuy nhiên, một thực tế không thể tranh cãi, việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc chỉ là hành động đơn phương của nước này và hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì không phù hợp với luật pháp quốc tế và không được các quốc gia liên quan công nhận.
Việt Nam rất nhiều lần khẳng định chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên Liên hiệp quốc ngày 30/3, chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định điều này. Ngay theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, công ước lớn nhất về luật biển mà Trung Quốc cũng là thành viên, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Những thực thể ở Trường Sa, đều thuộc dạng này. Do đó, Trung Quốc không thể tự cho mình quyền quản lý những khu vực đó.
Ngay việc Bắc Kinh từng bước nhân tạo hóa, quân sự hóa rồi thể chế hóa bất chấp việc phá vỡ hiện trạng, vi phạm nghiêm trọng luật Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã đủ chứng minh mối đe dọa từ nước này với tự do hàng hải và chủ quyền các quốc gia trên biển Đông.
Việc Trung Quốc tự coi Biển Đông, đỉnh Everest là “ao nhà” của mình cho thấy sự ngang ngược, dã tâm bất tận, thể hiện âm mưu độc chiếm phi pháp lãnh thổ, lãnh hải các quốc gia khác của Bắc Kinh là rất lớn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest

Nguồn: Nhân dân.

Tâm Đức