Chiếc cầu phao tạm bợ, chòng chành dài gần 200m và chỉ rộng 2m là con đường duy nhất cho 1.000 người dân thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) khi muốn sang bên kia bờ.
Cầu phao xuống cấp, gần 1000 người hàng ngày “rùng mình” khi đi qua sông.
Nằm lọt thỏm giữa dòng sông Gianh bởi bốn bề sông nước, thôn Thuận Hoà thuộc xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm cách trung tâm xã gần 2km.
Cách đây hơn 10 năm, muốn qua lại thôn này chỉ có thể sử dụng phương tiện duy nhất là đi bằng đò. Nhận thấy sự nguy hiểm khi qua sông bằng phương tiện này, người dân ở đây đã tự quyên góp kinh phí, vật liệu và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để làm một cây cầu phao tạm bắc qua sông.
|
Cầu phao tạm bợ này là nơi qua lại duy nhất của gần 1000 người dân thôn Thuận Hòa để đến được trung tâm xã. |
Với chiều dài gần 200m, rộng 2m, cầu phao tạm bợ, chòng chành này được kết cấu từ những thùng phuy nhựa rồi lát ván lên trên mặt và lấy dây thừng chằng lại. Hơn 10 năm sử dụng, cầu xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân luôn phải đối mặt với nguy hiểm mỗi khi qua lại.
Hiện tại, cầu đã đứt dây cáp một bên, từng tấm ván gỗ trên bề mặt mục nát, bong tróc thiếu sự gắn kết, lan can cầu là những thanh gỗ tre buộc lại bằng những sợi thép nay cũng đã hoen rỉ.
Ông Nguyễn Lưu - người dân thôn Thuận Hòa cho biết, vào trận lũ lịch sử năm 2013, do lũ lên quá nhanh nên khi chưa kịp tháo cầu phao để cất thì cầu bị cuốn trôi, khiến bà con thôn Thuận Hoà bị cô lập một thời gian dài. Khi nước lũ rút, người dân trong thôn và chính quyền địa phương mới ra lắp rắp lại để đi tạm.
"Mặc dù biết cây cầu phao đã xuống cấp nghiêm trọng, việc đi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, đặc biệt là khi mùa mưa lũ sắp đến gần nhưng người dân chúng tôi vẫn phải đi , bởi đây chính là con đường ngắn nhất và duy nhất của cả thôn để đến được trung tâm xã." - ông Lưu nói.
Còn theo anh Mai Thanh Nam - một người dân địa phương, thì việc người dân bị té ngã khi qua sông thì không phải là chuyện hiếm. Đặc biệt là mỗi khi tới mùa mưa lũ, học sinh không thể đi học được, trong thôn có ai đau ốm, cần cấp cứu thì cũng phải "bó tay". Chưa kể đến việc làm ăn buôn bán và phát triển kinh tế ở đây cũng hết sức khó khăn.
Anh Nam trăn trở: “Chúng tôi xây một cái nhà nhiều khi cái công vận chuyển còn tốn kém gấp nhiều lần so với người ở vùng khác nữa. Cho nên một cây cầu kiên cố trở thành niềm mong mỏi của cả thôn suốt bao năm nay”.
Biết nguy hiểm, rủi ro là vậy nhưng người dân ở bên này của bờ sông Gianh không còn sự lựa chọn nào khác khi muốn sang bên kia bờ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết, hàng năm địa phương cũng cho tu sửa nhưng mỗi khi mưa lũ thì cầu phao buộc phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, gặp đúng bão lũ lớn thì quá trình tháo dỡ bị mất mát và hư hỏng gần hết.
Ngoài sự chung tay của người dân, chính quyền địa phương huyện Quảng Trạch cũng hỗ trợ ít nhiều để bà con có chiếc cầu tạm để đi lại. Tuy nhiên, mong muốn của người dân thì vẫn là một cây cầu kiên cố, sử dụng về lâu dài.
“Vừa rồi, cầu phao ở thôn Thuận Hòa đã được Sở GTVT tỉnh Quảng Bình và nhiều đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát và đưa vào diện cây cầu cần phải thay thế, kịp thời đầu tư. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào quá trình đánh giá nguồn vốn, kinh phí nữa. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi một cây cầu kiên cố hơn để bà con yên tâm trong việc giao thương kinh tế cũng như phát triển các hoạt động giáo dục, an sinh xã hội nhằm phát triển nông thôn mới" - Ông Tiến nói thêm.
>>> Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin