Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); luật Công nghiệp công nghệ số sáng 23/11.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là 2 dự án luật rất quan trọng, tạo cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Thủ tướng, kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Điều đó đòi hỏi đổi mới tư duy vận hành, quản lý dựa trên tổng kết thực tiễn. Cái gì tốt thì phát huy, cái gì chưa được thì sửa ngay, cái nào còn vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, mới phát triển được.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc huy động nguồn lực bắt nguồn từ nội lực là chính. Và nội lực bên cạnh yếu tố con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, còn là cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách nếu đúng hoàn cảnh, phù hợp xu thế sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh, làm thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế" như cơ chế khoán 10, khoán 100 giúp Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ. |
Muốn chạy nhanh, chạy xa…phải đi bằng công nghệ mới
Về Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết ban hành. Còn vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải làm.
"Trí tuệ nhân tạo bây giờ khác lắm, mà rõ ràng ta thấy đời thực thế nào thì đời ảo như thế", Thủ tướng nói và đặt vấn đề, thực tế Việt Nam vẫn giao dịch tiền bitcoin, tại sao không đưa vào quản lý?
Thủ tướng đồng tình phải có chính sách ưu đãi về đất đai, lệ phí, điện, nước, kể cả ưu đãi bằng tiền… để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức.
Theo Thủ tướng, khi tình hình thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì phương thức quản lý, tổ chức cũng phải thay đổi. Pháp luật về công nghệ thông tin trước đây chưa bao gồm các khái niệm mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và Internet vạn vật. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng để vừa thúc đẩy, vừa quản lý hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết, bởi chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong phát triển của giai đoạn mới và phải có luật để quản lý.
Chia sẻ về tư duy sửa đổi pháp luật nhanh chóng để cập nhật theo bối cảnh thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng và sửa đổi pháp luật được thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nhận thức trong hiện tại, khi nhận thức thay đổi, có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thì việc tiếp tục sửa đổi pháp luật cho phù hợp là cần thiết, nên được tiến hành mạnh dạn, kịp thời.
Nêu rõ tầm quan trọng của ngành chip bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới này. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chip bán dẫn, cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, nguồn cung cấp nước sạch, điện năng, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Song song với ưu đãi tài chính, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đảm bảo sức thuyết phục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không tính toán lợi ích cụ thể.
Đối với thử nghiệm có kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm, nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế. Kiểm soát về thời gian mới là điều quan trọng, hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng. Nếu tạo ra thí điểm không gian sáng tạo thì phải mở phạm vi và đối tượng thuộc ngành công nghệ số. Nếu không vượt ra được thì vẫn có vòng kim cô, hạn chế không gian sáng tạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị luật chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định để mở rộng không gian sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý.
Ta cứ đấu thầu cả nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục
Góp ý cụ thể vào dự án luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước thì có nhiều, mỗi giai đoạn lại có yêu cầu lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, thực tế là mô hình hiện tại chưa ổn định và điều này cũng hiểu được do đất nước đang trong quá trình phát triển.
Do đó, trong quá trình làm, nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, cũng không nóng vội, "cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại".
Thủ tướng chia sẻ suy nghĩ hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được.
"Can thiệp thế méo mó thị trường và không phải cơ quan hành chính mà lại can thiệp không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển. Nên tuân thủ quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam. Do không phải cơ quan hành chính nên không can thiệp nhiều biện pháp hành chính", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước giao cho hội đồng quản trị quyết định là hợp lý, miễn làm sao bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát và công cụ đó phải rõ để người ta sáng tạo.
"Ngay mô hình hiện nay đặt tên là quản lý thành ra nặng quản lý. Mà không quản được lại cấm, can thiệp bằng biện pháp hành chính là không phù hợp quy luật thị trường", Thủ tướng nêu quan điểm.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng vốn của doanh nghiệp, đầu tư vào đâu do Hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm, không cần thiết phải đi xin thêm một cấp hành chính nữa.
"Phải mạnh dạn và anh quyết định sai thì anh chịu trách nhiệm nhưng quan trọng nhất là kịp thời, đúng lúc. Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định cho thành công. Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, cứ để loay hoay mãi. Cứ đi xin hết chỗ này chỗ kia, không rõ ràng. Cần giao cho một cơ quan có thể quyết định, thiết kế vào luật chứ không để chạy theo kiểu hành chính. Phân cấp mạnh, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm, không được làm để người ta sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, Thủ tướng nêu quan điểm, trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc doanh nghiệp làm chưa tốt, thua lỗ nhưng "tổng thể vẫn dương" là bảo toàn và phát triển vốn.
"Doanh nghiệp tư nhân làm rất nhanh và đúng dù họ không đấu thầu. Mối quan hệ kinh tế dân sự họ xử lý rất hay. Ta cứ đấu thầu cả nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục. Làm sao rút ra quy luật chứ. Kinh doanh không phải ngày một, ngày hai nên phải đánh giá tổng thể. Tổng vẫn dương mà xử lý họ là chưa phù hợp tình hình, quy luật", Thủ tướng nêu quan điểm.
Thủ tướng đề nghị rà soát thiết kế công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy "không quản lý được thì cấm".
Theo Thủ tướng, dự thảo luật nên quy định quản lý doanh nghiệp tới đâu, còn lại để họ quản lý cấp dưới, giống như mô hình Trung ương quản lý tỉnh, còn tỉnh quản lý huyện, huyện quản lý xã.
"Trung ương mà xuống tận xã làm thì tắc, mà tắc là lãng phí. Vì thế, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không thay huyện, huyện không làm thay xã", Thủ tướng nhấn mạnh và nói rằng, quản lý doanh nghiệp cũng cần theo cơ chế này.
Hải Ninh