Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: Dự đoán phán quyết giám đốc thẩm?

Google News

(Kiến Thức) - Trong 6 tình huống có thể xảy ra trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, rất có thể kết quả giám đốc thẩm sẽ hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Kết quả giám đốc thẩm sẽ thế nào?
Ngày 8/5, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tiếp tục điều hành phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải bị toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt tử hình về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Dư luận quan tâm, kết quả giám đốc thẩm sẽ thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dẫn quy định tại điều 388 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và cho biết, sẽ có 6 tình huống có thể xảy ra khi Hội đồng giám đốc thẩm công bố kết quả gồm:
Thứ nhất: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Thứ hai: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật. 
Thứ ba: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại. 
Thứ tư: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
Thứ năm: Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. 
Thứ sáu: Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Vu an tu tu Ho Duy Hai: Du doan phan quyet giam doc tham?
 Quang cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh:TTXVN
Luật sư Cường cho rằng, với những nội dung trong bản kháng nghị của VKSND tối cao, nội dung đơn thư kêu oan và diễn biến của phiên tòa giám đốc thẩm, rất có thể Hội đồng giám đốc thẩm sẽ quyết định theo đa số là hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung bởi giai đoạn điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các chứng cứ buộc tội chưa đủ cơ sở để kết tội Hồ Duy Hải.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án hình sự sẽ có cơ hội mình oan cho bị cáo nhưng không chắc chắn bị cáo sẽ được tuyên bố không phạm tội nếu kết quả điều tra lại củng cố thêm những chứng cứ buộc tội.
Theo phân tích của luật sư Cường, trong vụ án này văn bản kháng nghị của VKSND tối cao đã chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội đối với bị cáo. Vấn đề này được nhiều chuyên gia, các luật sư đồng tình cũng như ý kiến của mẹ bị cáo Hải trong quá trình kêu oan.
Tuy nhiên, đây chỉ là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm còn kháng nghị này có được Hội đồng thẩm phán chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của cả một tập thể Hội đồng thẩm phán.
Có thể thấy, chưa có vụ án nào mà phiên tòa giám đốc thẩm lại có sự quan tâm của dư luận như phiên tòa này, cũng chưa thấy phiên tòa giám đốc thẩm nào mà các chuyên gia, các nhà nghiên cứu dành nhiều thời gian để quan tâm như vụ án này.
Với thông tin mà báo chí phản ánh trong suốt thời gian qua cũng như thông tin văn bản kiến nghị, đề xuất của các cơ quan chức năng, đơn thư kêu oan của gia đình bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo cho thấy chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội đối với bị cáo Hải.
Nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không đủ căn cứ để kết tội thì tòa án buộc phải tuyên bị cáo không có tội.
Trường hợp tòa án đánh giá là chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo nhưng tài liệu cho thấy bị cáo có dấu hiệu phạm tội, cần phải làm rõ các tình tiết, chứng cứ quan trọng trong vụ án để kết luận là có tội hay không, tòa án sẽ trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung tùy từng trường hợp. Với thẩm quyền của hội đồng thẩm phán TAND tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm, có thể hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại.
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố về việc quyết định giải quyết vụ án. Quyết định giải quyết vụ án này như thế nào sẽ phụ thuộc vào số biểu quyết của hội đồng sau khi lắng nghe ý kiến của những người tham dự, lập luận của những bên liên quan và trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng giám đốc thẩm sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng về chứng cứ và chứng minh, việc thu thập chứng cứ, tính hợp lệ của chứng cứ (đặc biệt là các chứng cứ buộc tội) và giá trị chứng minh của các chứng cứ này có đủ để kết tội bị cáo hay không?!
Phân tích 6 tình huống tại điều 388 Bộ luật TTHS năm 2015, luật sư Cường cho rằng, vụ án này có căn cứ xác định nạn nhân bị sát hại nên trường hợp hủy án và đình chỉ vụ án sẽ không diễn ra.
Nếu hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hồ Duy Hải mới có cơ hội được minh oan (nếu thực sự không thực hiện hành vi phạm tội).
Vu an tu tu Ho Duy Hai: Du doan phan quyet giam doc tham?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Trường hợp hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm và phúc thẩm để thay đổi mức hình phạt, bị cáo Hồ Duy Hải có thể thoát án tử hình nhưng sẽ vẫn có tội. Việc quyết định một trong 6 trường hợp nêu trên như thế nào sẽ căn cứ vào biểu quyết của hội đồng giám đốc thẩm trong phiên xử 8/5.
Theo quy định tại Điều 391 Bộ luật TTHS, việc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể là: Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; hoặc Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Trường hợp xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo, Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.
Dù trường hợp tòa án hủy bản án sơ thẩm, Hồ Duy Hải mới có cơ hội được minh oan. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ đình chỉ giải quyết vụ án nếu như không thể tìm thêm được chứng cứ để buộc tội trong giai đoạn điều tra lại.
Bởi vậy, con đường kêu oan của Hải và gia đình sẽ còn nhiều gian nan tuy nhiên việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm và có sự quan tâm của nhiều chuyên gia pháp luật, các nhà nghiên cứu và dư luận cũng mở ra những cơ hội, niềm hy vọng cho Hải và gia đình.
Căn cứ nào có thể hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử lại?
Theo kháng nghị của VKSND Tối cao, trong vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như bỏ sót những chứng cứ vụ án như cái thớt, chiếc ghế, con dao, không trưng cầu giám định vết máu, không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án…
Từ đó, VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Trong suốt quá trình tranh tụng tại phiên giám đốc hai ngày qua đã phân tích nhiều sai sót tố tụng của cơ quan điều tra và hai cấp xét xử theo kháng nghị của VKSND tối cao. Đồng thời, tập trung vào làm rõ những chứng cứ, tài liệu, bút lục, lời khai...
Trong quá trình giải đáp, đại diện điều tra viên cũng đã thừa nhận, do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế trong xác định rõ dấu vết, hung khí...Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng sơ thẩm và phúc thẩm, những vấn đề này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Đáng chú ý, thành viên Hội đồng Thẩm phán đã nêu câu hỏi cho đại diện VKS về việc nếu cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng, giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không?
Trả lời câu hỏi này, đại diện VKSND Tối cao khẳng định đây là những vi phạm nghiêm trọng. “Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra”.
Đại diện VKS cho rằng, có những cái đến bây giờ có thể khắc phục được, có những cái không khắc phục được. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể của vụ án truy xét mà chúng ta lấy trục chính từ những lời khai nhận của Hồ Duy Hải và chứng minh tính xác thực của nó bằng những tài liệu, nhân chứng khác và VKS thấy phải làm thêm một số việc.
"Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng”, đại diện VKS nêu ý kiến.
Đáng chú ý, chiều 7/5, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi có kháng nghị của VKSND Tối cao, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của Bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Sau khi làm rõ các nội dung liên quan, báo cáo xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Buổi sáng 8/5, đại diện VKSND Tối cao sẽ phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán sẽ đánh giá các chứng cứ. Chiều cùng ngày, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ công bố kết luận của hội đồng.
>>> Mời độc giả xem video Vụ Hồ Duy Hải: Đề nghị thực nghiệm lại hiện trường

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức