Xe ôm phải có thẻ hành nghề: Đi ngược xu thế, đẻ thêm giấy phép con “hành dân”?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu không nghiên cứu tính khả thi, rất có thể đề xuất trên sẽ đi ngược lại với xu thế, từ hình thức kinh doanh của doanh nghiệp thành mệnh lệnh hành chính. Phát sinh giấy phép con, hành dân… đi ngược lại tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử, thông minh, giảm tải thủ tục hành chính.

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất, người hành nghề chở khách hay hàng hoá bằng môtô, xe máy sẽ phải đăng ký với UBND phường, xã để được cấp thẻ hoạt động vận chuyển và đeo nơi ngực áo từ ngày 1/1/2021.
Ngoài ra, khi điều khiển phương tiện, người hành nghề phải mang theo các giấy tờ như Giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa...
Dù biết rằng, thời gian qua, tình trạng vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe mô tô còn bát nháo, chặt chém, tranh giành khách, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông...
Tuy nhiên, hiện chưa có một quy định cụ thể nào để quản lý lĩnh vực vận tải bằng xe mô tô. Do vậy, việc xây dựng những văn bản pháp luật để quản lý hoạt động xe mô tô kinh doanh vận tải, tăng cường chất lượng dịch vụ là điều cần thiết.
Xe om phai co the hanh nghe: Di nguoc xu the, de them giay phep con “hanh dan”
 Ảnh minh họa.
Đánh giá một cách khách quan, trong dự thảo có nhiều quy định để nâng cao ý thức lái xe mô tô vận chuyển người, hàng hóa như phải có sức khỏe để đảm bảo điều khiển xe an toàn, hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ. Đồng thời, nâng cao chất lượng phương tiện bảo đảm an toàn giao thông như quy định các tài xế phải đảm bảo phương tiện của mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng và an toàn như hệ thống hãm lực, chuyển hướng lực, các loại đèn và kích cỡ bánh xe, trang bị mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe...
Tuy nhiên, việc đăng ký và phải đeo thẻ hành nghề khiến nhiều người quan ngại về tính khả thi trong thực tế, nhất là khi trong luật chưa có quy định nào về việc mô tô phải đăng ký kinh doanh.
Thậm chí, ngay trong Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định các giấy tờ lái xe cầm theo là bằng lái, Giấy tờ xe, bảo hiểm. Do vậy, việc yêu cầu người hành nghề xe ôm, vận chuyển hàng hóa phải mang kèm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề có nguy cơ trái luật.
Hơn nữa hiện nay, Hà Nội có đến hàng chục nghìn người làm nghề lái xe ôm, vận chuyển hàng hóa. Câu hỏi đặt ra, việc quản lý, kiểm tra nếu họ không đăng ký, đeo biển hiệu là việc không hề dễ dàng.
Bởi thực tế, hoạt động vận chuyển người và hàng hóa là loại hình kinh doanh dịch vụ mà chủ thể kinh doanh là những người lao động nghèo khó, dự thảo sẽ làm tăng gánh nặng cho họ mà có lợi ích kèm theo sẽ dẫn đến việc họ không chấp hành. Trong khi đó, đặc thù riêng  xe ôm và xe vận chuyển hàng hóa thường xuyên chạy ngoài đường nhưng họ hoạt động một cách tự do, không ổn định.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu họ không chấp hành, lực lượng nào đủ dầy để xử lý họ. Trường hợp có đủ lực lượng kể kiểm tra nhưng ai có quyền dừng xe của họ để kiểm tra, nếu họ cãi họ chỉ là người tham gia giao thông bình thường cũng khó mà có thể xử lý. Hơn nữa, hiện nay, trong dự thảo đưa ra quy định nhưng không đưa ra chế tài xử phạt. Vậy, căn cứ nào để xử lý họ khi họ không chấp hành việc đăng ký thẻ hành nghề xe ôm?
Điều đó cho thấy, dù có thêm quy định người vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy phải có biển hiệu gắn ở bên trái chưa chắc đã giúp công tác quản lý các phương tiện này chở lên chặt chẽ khi các tài xế không chấp hành thì cũng khó mà xử lý được vi phạm sẽ dẫn đến sự nhờn luật, phản tác dụng và khó khả thi.
Đồng thời, dễ dẫn đến phản ứng nhất là các lái xe ôm công nghệ, bởi ngoài việc phải tuân thủ quy định của doanh nghiệp, lái xe ôm công nghệ cũng phải chấp hành quy định của lái xe hoạt động ngoài doanh nghiệp (xe ôm truyền thống).
Hơn nữa, bản thân họ cũng đã có những đặc điểm nhận dang riêng biệt như màu quần áo, logo trên mũ bảo hiểm... Ngay hành khách thuê xe ôm công nghệ cũng biết rõ biển số xe và số điện thoại tài xế nên đa số khách hàng sẽ không quan tâm đến thẻ hành nghề khi sử dụng dịch vụ.
Trong khi đó, việc đẻ thêm một giấy phép con khiến thủ tục hành chính thêm rườm rà làm gia tăng áp lực cho các cấp chính quyền địa phương và tạo ra thêm một khối lượng công việc lớn cho UBND cấp phường, xã.
Trên thực tế, đây không phải là đề xuất mới vì từ lâu TP HCM đã là địa phương trên cả nước triển khai việc này. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được không như kỳ vọng và gần như bất thành bởi người hành nghề xe ôm, vận chuyển hàng chủ yếu là dân ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn như quy định và việc yêu cầu người lái xe ôm, vận chuyển hàng hóa phải có “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” cũng không thể khả thi khi áp dụng vào thực tế.
Do vậy, đề xuất trên khiến nhiều người quan ngại về tính khả thi khi áp dụng vào thực tế. Nếu không nghiên cứu tính khả thi, rất có thể đề xuất trên sẽ đi ngược lại với xu thế, từ hình thức kinh doanh của doanh nghiệp thành mệnh lệnh hành chính. Phát sinh giấy phép con, hành dân… đi ngược lại tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử, thông minh, giảm tải thủ tục hành chính.
Thiên Nga