Những nhà Báo - Tay cầm bút, tay... vô lăng

Google News

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo chuyên viết mảng xe hơi để thấy những người cầm viết mảng này cũng lắm gian nan và thú vị để có trải nghiệm qua những cung đường mọi miền đất nước của các dòng xe.

Nhìn hình biết nhãn hiệu
Tôi không thể nhớ mình đã lái bao nhiêu dòng xe, bao nhiêu kiểu xe và đi bao nhiêu cung đường trong những năm làm báo viết về mảng xe cộ...
Bây giờ, hầu hết các hãng xe hơi khi ra mắt dòng xe mới đều mời giới truyền thông lái thử, sau đó đến khách hàng, trừ vài dòng xe siêu sang hoặc siêu xe thể thao.
Viết báo về mảng xe, nhiều lúc đi xa nhiều hơn ở nhà hay ở cơ quan. Cách đây một vài năm, nhiều hãng xe tổ chức cho giới truyền thông ra nước ngoài thử xe và hầu hết các dòng xe mà chúng tôi lái thử đó sẽ nhập về bán ở Việt Nam.
Nhung nha Bao - Tay cam but, tay... vo lang
 Viết báo về mảng xe, nhiều lúc đi xa nhiều hơn ở nhà hay ở cơ quan.
Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia là những nơi đầu tiên mà chúng tôi đến để lái thử xe. Lý do là đa phần xe nhập về Việt Nam được sản xuất tại các nhà máy ở những nước này và đường sá ở những quốc gia ấy có phần ổn hơn ở Việt Nam, trong đó ý thức giao thông là điều đáng khen ngợi.
Với những ai lần đầu cầm lái, tay lái nghịch ở một số nước (vô lăng nằm bên phải xe) là một trở ngại. Tuy nhiên, lâu dần cũng quen. Sau nhiều năm “chinh chiến”, nhiều phóng viên chuyên mảng xe đến từ Việt Nam trở thành tay lái cừ khôi trong mắt các đồng nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể, nhiều hãng xe sang còn tổ chức các khóa Driving Skill (kỹ năng lái xe) do các huấn luyện viên huấn luyện hoặc phóng viên tham gia chạy thử trong các trường đua xe hơi chuyên nghiệp ở Malaysia.
Nói vậy, không có nghĩa là việc lái thử xe ở Việt Nam ít, mà ngược lại, nhưng do đi nhiều quá, không còn nhiều cung đường mới lạ. Chính sự mới lạ sẽ phần nào tăng thêm niềm phấn khích, tích lũy thêm kinh nghiệm cầm lái ở nhiều kiểu đường khác nhau và chính những khám phá mới về các vùng đất sẽ tăng thêm chất liệu nội dung để trong các bài viết đánh giá, trải nghiệm xe không bị khô khan về thông số kỹ thuật.
Nhung nha Bao - Tay cam but, tay... vo lang-Hinh-2
 Những nhà báo và cả các “phóng viên” của những diễn đàn, mạng xã hội hay vlogger đều bị “xe ăn vào máu”. 
Vài năm gần đây, việc lái thử xe ở Việt Nam của các hãng xe trở nên phổ biến với nhiều cung đường từ Bắc vào Nam, từ vùng biên giới Tây Bắc đến vùng đất Mũi cực Nam, từ đường Hồ Chí Minh đến các tuyến cao tốc.
Những nhà báo và cả các “phóng viên” của những diễn đàn, mạng xã hội hay vlogger đều bị “xe ăn vào máu”. Nhìn mãi, lái mãi, viết mãi, chúng tôi thuộc lòng các kiểu xe, nhãn hiệu xe mà chỉ cần nhìn hình hoặc thấy chạy qua là biết đó là xe gì, hãng nào và thậm chí nhớ luôn giá bán, bao nhiêu phiên bản của mẫu xe đó. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng đúng hết nhưng nếu có trò chơi nào theo kiểu “nhìn hình đoán nhãn”, có lẽ nhà báo mảng xe sẽ “thắng lớn”.
Xe bóng bẩy, người thì không
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè và cả người thân hay nói rằng viết báo mảng này sướng thật, lái toàn xe mới, ở toàn nơi sang trọng, gặp toàn người đẹp. Thật ra thì những nhận xét đó không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng.
Xe mới ra mắt, phóng viên mảng xe hơi là một trong những người đầu tiên “bóc tem”. Chạm, thử và viết. Khi post một tấm hình lên trang cá nhân mạng xã hội, người ta có xu hướng lựa ảnh mình ưng ý, nhà báo càng làm vậy. Vậy nhưng, để bạn đọc thấy những thước phim, những clip hay những bài viết trơn tru thì có khi đằng sau những tác phẩm ấy là những buổi phơi mình ngoài nắng hàng giờ đồng hồ, những hành trình hàng trăm kilômét ê lưng hay những chuyến đi lạc vào đường rừng xa lạ, những cung đường mà chỉ cần lơ là là có thể rơi xuống vực...
Nhung nha Bao - Tay cam but, tay... vo lang-Hinh-3
 Xe mới ra mắt, phóng viên mảng xe hơi là một trong những người đầu tiên “bóc tem”. Chạm, thử và viết. 
Viết báo mảng xe cộ nhưng nhà báo không phải là dân bán hàng (sale) chuyên nghiệp, không phải là kỹ thuật viên chuyên nghiệp, không phải là người lái xe chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bằng nghề nghiệp của mình, nhà báo phải cung cấp đầy đủ thông tin nhất có thể để bạn đọc căn cứ vào đó có thêm chọn lựa mẫu xe ưng ý.
Xe hơi là xu hướng tiêu dùng. Loại sản phẩm này đang “ăn nên làm ra” tại thị trường Việt Nam. Trước xu hướng đó, ở góc độ thông tin, nhiều trang tin, nhiều mạng xã hội và nhiều vlogger ngày càng đẩy mạnh truyền thông về xe cộ. Báo chí và nhà báo viết mảng xe cộ cũng phải luôn tìm kiếm điều mới và trau dồi nghề nghiệp để đủ sức đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhất là bạn đọc mê xe hơi. Không có nghề nào cao quý hơn nghề nào nhưng chắc chắn, nếu không tự phát triển chính mình thì đến lúc nào đó sẽ tụt hậu, y như các hãng xe mà không có mẫu xe mới với nhiều tính năng vượt trội thì “ế hàng”...
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn