Đường Đại tướng của nhân dân cần có dân

Google News

(Kiến Thức) - Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đã có một Giáo sư nổi tiếng về Sử học đề xuất ý kiến với cơ quan chức năng ở Hà Nội nên đặt tên Đại lộ Nhật Tân - sân bay Nội Bài là đường Võ Nguyên Giáp. 

Phối cảnh tuyến đường từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài 
Mới nghe qua, ý kiến đề xuất này có vẻ hợp lý, vì dự án tuyến đường Nhật Tân - Sân bay Nội Bài rất hiện đại, dài 12km, có thể xứng đáng mang tên cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến nay, UBND TP Hà Nội đã “chốt” phương án này và đang trình HĐND TP Hà Nội ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, dự án tuyến Nhật Tân - Sân bay Nội Bài lại là đường cao tốc, mà đã là đường cao tốc, thì phải có hành lang an toàn giao thông suốt dọc hai bên đường, tuyệt đối không cho xây dựng nhà ở, hay các công trình dân dụng khác (trong phạm vi hành lang an toàn giao thông). Như vậy, có nghĩa là tuyến cao tốc (Nhật Tân - Sân bay Nội Bài) sẽ không có vỉa hè, không có dân làm nhà sinh sống ở hai bên đường và dĩ nhiên sẽ chẳng có số nhà nào.  
Do đó, nếu đặt tên đường cao tốc (Nhật Tân - sân bay Nội Bài ở Hà Nội) là đường Võ Nguyên Giáp, thì sẽ thật trớ trêu: Đường mang tên Đại tướng của Nhân dân, mà lại không có dân (làm nhà sinh sống ở hai bên đường). Đấy là còn chưa nói đến điểm xuất phát của tuyến cao tốc này ở quận Tây Hồ, thuộc địa phận phường Phú Thượng, chứ đâu phải địa phận phường Nhật Tân. 
Để không xảy ra tình trạng thật trớ trêu về việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp nêu trên, kiến nghị cơ quan thẩm quyền cần xem xét thận trọng, đặt tên một đại lộ nào đó là đường Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Nhân dân, cần có dân được làm nhà sinh sống ở hai bên đường (tương tự như các đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng... ở Hà Nội), mới là mỹ mãn.
Kỹ sư Nguyễn Thành Lập