Giết mổ động vật hoang dã: Xử phiên phiến, ai sợ?

Google News

(Kiến Thức) - Thịt động vật hoang dã từ lâu trở thành đặc sản để người ta cảm ơn và tiếp đãi nhau. Thông thường, cái gì hiếm thì quý...

 Ảnh minh họa.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phát đi thông báo kết quả vận động doanh nghiệp tham gia bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD). Theo ENV, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình. Nhiều đơn vị đã tuyên truyền cán bộ nhân viên không tiêu thụ ĐVHD dưới mọi hình thức và tích cực tham gia bảo vệ các loài ĐVHD của Việt Nam bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể như thông báo vi phạm về ĐVHD đến đường dây nóng 18001522 hay tuyên truyền, khuyến khích gia đình, người thân, bạn bè cùng tham gia. 
Theo bà Lê Trúc Linh, Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam, nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình bảo vệ động vật hoang dã. Thế nhưng cũng dần dần, trong những cánh rừng, nhiều loại động vật quý hiếm ngày càng vắng bóng. Và cũng không khó khăn để tìm kiếm các món ăn thịt thú rừng trong thực đơn hàng trăm món ăn ở các nhà hàng. 
Và nếu để ý quan sát sẽ thấy, trong vô số thực khách là người lao động, tiểu thương, còn có cán bộ công chức, kể cả những người làm công việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, cũng liên hoan bằng thịt thú rừng. Hàng ngày, những con thú vẫn nối đuôi nhau lên bàn nhậu để phục vụ cho sở thích ẩm thực của những người "lắm tiền". 
Bà Linh cho biết, trong tự nhiên Việt Nam, một số loài như hổ, voi thì hầu như không còn. Hiện tại, trong các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng tự nhiên đa phần chỉ còn các động vật nhỏ như lợn rừng, nhím, cheo, chồn, kỳ đà... sinh sống, nhưng với số lượng không nhiều. Việc quản lý vốn rất khó, nhiều nơi chính lực lượng kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương lại móc ngoặc với những kẻ săn bắt trái phép để ăn chia lợi nhuận. Việc tuyên truyền, kêu gọi người dân không sử dụng động vật hoang dã là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là vai trò của pháp luật. 
"Đã có những quốc gia, người buôn bán giết mổ động vật hoang dã bị tử hình. Nhưng ở Việt Nam, một vài vụ việc rúng động lắm mới xử lý hình sự, đa phần là phiên phiến cho qua, vậy thì ai sợ? Xử người săn bắt buôn bán thật nặng, thậm chí xử cả người tiêu thụ, khi đó, chắc hẳn không ai dám ăn nữa", bà Lê Trúc Linh cho biết.
Bảo Khánh