Bản án nào cho nghịch tử giết chết 4 người thân?

Google News

(Kiến Thức) - Hành vi giết người của Quý có hình phạt cao nhất là tử hình nhưng nếu nghịch tử này bị bệnh tâm thần thì xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ thảm án ở Hải Dương, nghịch tử Phạm Duy Quý (SN 1993, trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương) cầm dao truy sát chém 4 người thân trong gia đình thiệt mạng. Nguyên nhân dẫn đến hành động sát hại người thân, được Quý khai nhận là do có suy nghĩ vào lúc 3-4 tuổi, cha mẹ mình đã từng có ý định bán mình cho người khác nên bực tức và nuôi sẵn ý định giết họ, cộng với việc bị mẹ mắng khi đi chơi game không về nên Quý đã ra tay giết bố mẹ. Việc đưa cả bà và chị mình vào danh sách nạn nhân là vì hai người này thường a dua với cha mẹ chửi mắng Quý.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiện, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh Hải Dương, cho biết qua truy xét, cơ quan điều tra nhận thấy Quý có dấu hiệu tâm thần phân liệt. Theo Thiếu tá Hiện, trước mắt cơ quan điều tra tạm giữ hình sự Quý và sẽ cho Quý đi giám định tâm thần. Đến khi có kết quả mới có thể xác định khởi tố bị can hay không. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT đã đề xuất khởi tố vụ án để phục vụ công việc điều tra.
Dư luận băn khoăn về việc xử lý đối tượng Phạm Duy Quý ra sao nếu kết quả giám định xác định Quý bị tâm thần vào thời điểm gây án? Nếu kết quả giám định tâm thần xác định Quý không bị tâm thần thì Quý sẽ phải chịu bản án như thế nào?
 Đối tượng Phạm Duy Quý tại cơ quan điều tra. Ảnh: Hải Ninh.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật nhìn nhận, ở vụ án này, qua những tình tiết thu nhận thì đã xác định được Phạm Duy Quý phạm tội giết người với những tình tiết định khu như sau: Giết cả cha lẫn mẹ, giết bà nội và giết chị họ.
“Với những tình tiết này thì Phạm Duy Quý đã phạm vào khoản 1, điều 93 của Bộ luật hình sự và khung hình phat có hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi cho rằng nếu không xác định được Quý bị tâm thần thì trong trường hợp này Quý sẽ bị tuyên mức án tử hình là rất cao”, Luật sư Hoàng Cao Sang nhận định.
“Có thể do Quý nghiện game nên Quý đã bị hoang tưởng và tưởng đời thường như trong game. Có người cho rằng khi một người bị như vậy có nghĩa là bị tâm thần vì đây là một trạng thái tâm thần không bình thường và bản thân người này không điều khiển được hành vi của mình. Nhưng tôi cho rằng đây không phải là bệnh tâm thần dẫn đến không điều khiển được hành vi của mình mà đây là do mình biết được là khi chơi game dẫn đến mình không điều khiểu được hành vi mà vẫn chơi thì đó là mình tự tước đi cái quyền tự nhận thức hành vi của mình”, Luật sư Hoàng Cao Sang cho biết.
 Luật sư Hoàng Cao Sang.
Luật sư Sang cho hay, theo điều 104, Bộ luật tố tụng hình sự quy định quyết định khởi tố vụ án hình sự nêu rõ: “Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”. Và “Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”, nêu rõ trong Điều 126 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định khởi tố bị can. Vì vậy, khi có đủ căn cứ xác định Phạm Duy Quý gây ra thảm án sát hại 4 người thân thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can Phạm Duy Quý về tội Giết người theo qui định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Sang, nếu nghịch tử giết người dã man này mắc bệnh tâm thần thì y có cơ hội thoát án tử hình.
“Nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án”, luật sư Sang cho biết.
 
Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Hải Ninh