Một tỉnh của Việt Nam có tên mang nghĩa 'nước đen'

Google News

Theo tiếng đồng bào Khmer, tên của tình này có nghĩa là “nước đen”, liên quan đến đặc điểm về thiên thiên của tỉnh.

Cái tên mang nghĩa 'nước đen'
Cà Mau là tỉnh ven biển, nằm ở cực Nam của nước ta. Tên gọi Cà Mau hình thành do đồng bào Khmer gọi vùng đất này là ‘Tưk Khmâu”, trong đó Tưk là nước và Khmâu là đen.
Lâu dần, âm “kh” được đọc thành "cà" và “mâu” đọc thành "mau". Một số ý kiến cho rằng sở dĩ nước ở vùng này mang màu đen là do lá của các loài cây ngập nước như tràm, sú, vẹt, dừa nước rụng xuống và mục nát, khiến nước đổi màu.
Vườn quốc gia được UNESCO công nhận
Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau, nằm trên hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Đây là một trong những khu bảo tồn có mức độ đa dạng thiên nhiên hàng đầu cả nước.
U Minh Hạ đặc trưng bởi hệ động thực vật vùng ngập nước, phát triển trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ trong hàng trăm năm. Bên cạnh các loài cây ưa nước như tràm, móp, sậy, dừa, nơi đây còn giúp bảo tồn nhiều loài động vật quý như tê tê, rái cá, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, chim, công trùng…
Hiện vườn quốc gia U Minh Hạ đã được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Đảo nổi tiếng nhất
Hòn Khoai là quần đảo nổi tiếng tại tỉnh Cà Mau, gồm các đảo như Hòn Lớn, Hòn Nhỏ, Hòn Tượng, Hòn Sao… Hòn Khoai cách đất liền chỉ 14,5km và thu hút khách du lịch nhờ thảm rừng nguyên sinh phủ dày, cùng hệ thực vật phong phú lên tới 1.400 loài.
Trên đảo hiện vẫn còn ngọn hải đăng do người Pháp xây từ năm 1920, hình khối vuông, mỗi cạnh dài 4m, cao 12,5m, kết cấu bằng đá và xi măng. Đây là một trong những ngọn hải đăng sớm nhất tại Việt Nam, dù tuổi đời hàng trăm năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Đặc sản của vùng
Cua Cà Mau hay cua xanh là một loài cua biển mang tới nguồn lợi kinh tế lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện loài cua này đã phát triển tới kích cỡ 10 – 15cm trong điều kiện nhân tạo, tuy nhiên cua tự nhiên vẫn được ưu chuộng và có thể đánh bắt ở các nhánh sông, rạch, ao, đầm gẩn biển ở tỉnh Cà Mau. Tháng 7, tháng 8 là thời điểm lý tưởng để khai thác cua do đây là mùa sinh sản, cua sẽ ngon, nhiều gạch và chắc thịt.
Vị trí địa lý
Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, có 3 mặt giáp biển và chỉ giáp với hai tỉnh là Kiên Giang và Bạc Liêu ở phía Bắc. Cà Mau cách TP.HCM 350km và phía Đông giáp biển Đông với đường bở biển dài 107km. Phía Tây và Nam giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 147km.
Hệ thống đảo của tỉnh Cà Mau không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn có ý nghĩa quân sự, đóng vai trò như phên dậu bảo vệ Tổ quốc từ phía Nam.
Theo VietNamNet