“Vòi bạch tuộc” IS không chỉ dừng ở Iraq hay Syria

Google News

Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không hành động kịp thời, “vòi bạch tuộc” Nhà nước Hồi giáo IS sẽ không chỉ dừng lại ở Iraq hay Syria.

Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đang đứng trước sức ép phải thay đổi chiến lược trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng  sau khi nhóm nổi dậy này liên tiếp giành được các vị trí chiến lược tại Iraq và Syria.
Nhiều chuyên gia chính trị cảnh báo, nếu quốc tế không có hành động kịp thời, hiểm họa IS sẽ trở nên trầm trọng hơn và sẽ không chỉ dừng lại ở Iraq hay Syria.
“Voi bach tuoc” IS khong chi dung o Iraq hay Syria
“Vòi bạch tuộc” IS không chỉ dừng ở Iraq hay Syria  
Gần một năm sau khi chiếm được thành phố chiến lược đầu tiên ở miền Bắc Iraq là Mosul, cờ đen của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xuất hiện tại một thành phố chiến lược khác Ramadi, cách thủ đô Baghdad chỉ khoảng 100km về phía Tây, nơi mà sự tồn tại của chính quyền trung ương cũng hết sức mong manh. Còn tại Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến, thành phố Palmyra và trạm kiểm soát biên giới cuối cùng với Iraq cũng đã rơi vào tay nhóm nổi dậy.
Bất chấp các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria, tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng và nhiều nhà phân tích đã cảnh báo, Nhà nước Hồi giáo đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu về một Nhà nước Hồi giáo. Chỉ trong gần một năm qua, nhóm cực đoan này đã tập hợp được các nền tảng cần thiết của một nhà nước như lãnh thổ, quân đội, với nguồn tài chính mạnh từ dầu mỏ.  
Để ngăn chặn mối nguy cơ này, Mỹ và các đồng minh không còn cách nào khác là phải thay đổi chiến lược, bởi vấn đề ở đây không chỉ còn là chống lại một nhóm nổi dậy nữa mà có thể coi là một lực lượng có tổ chức khá tốt so với các nhóm cực đoan đang hoạt động hiện nay.
Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi mới đây đã bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các cuộc không kích mà liên quân chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu tiến hành. Theo ông, Iraq cần phải có một chiến lược riêng cho mình trong bối cảnh mà ông cho là chiến dịch không kích của liên quân quốc tế đã thất bại và không kiểm soát được sự hoành hành của Nhà nước Hồi giáo.
Ngay cả chính phủ Mỹ mới đây cũng phải thừa nhận, vấn đề Nhà nước Hồi giáo không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earsnet, cho đến khi có thể xây dựng các lực lượng địa phương trên thực địa ở Syria và Iraq đủ sức chống lại Nhà nước Hồi giáo trên chính đất nước của mình, thì đây sẽ vẫn là một thách thức khó khăn.
Phối hợp thiếu hiệu quả
Ông Ahmed al-Abied, một chuyên gia phân tích Iraq nói: “Nếu các lực lượng tại Iraq bao gồm các lực lượng quân đội chính phủ, các lực lượng người Shiite, Sunni và liên quân quốc tế không thể phối hợp hiệu quả, cuộc chiến chống các nhóm cực đoan sẽ còn kéo dài. Chiến lược hiện nay chống Nhà nước Hồi giáo không thực sự hiệu quả, đặc biệt là các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu. Hiện không có bất kỳ sự phối hợp nào với các lực lượng mặt đất cũng như không có bất kỳ thông tin chiến lược  nào thu được sau mỗi  chiến dịch”.
Điều nguy hiểm hơn là vượt xa mục tiêu ban đầu, Nhà nước Hồi giáo đang tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra nhiều nước khác trong khu vực, với liên tiếp các vụ tấn công tại Libya, Tunisia hay mới đây nhất là nhằm vào một đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite tại Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út).
Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Afghanisttan, Tướng Mỹ F. Campbell, hôm qua (23/5) cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đang ráo riết tuyển quân tại Afghanisttan và Pakistan, song chưa triển khai hoạt động. Và hiện rất nhiều tay súng trong hàng ngũ Taliban đã quay sang với Nhà nước  Hồi giáo.
Theo VOV.VN