Tiết trời lạnh, ẩm, nhiều trẻ em và người già phải cấp cứu

Google News

Tiết trời lạnh với độ ẩm cao như hiện nay rất thuận lợi cho virus phát triển gây bệnh cho trẻ nhỏ.

Còn đối với người cao tuổi, tiền sử bị bệnh huyết áp cao có thể bị các biến chứng nguy hiểm về mạch máu não và tim mạch. Thực tế tại các bệnh viện cho thấy, có rất nhiều trẻ em phải nhập viện điều trị viêm phổi hoặc tiêu chảy do virus và nhiều người lớn phải cấp cứu do đột quỵ.
tiet troi lanh am nhieu tre em va nguoi gia phai cap cuu hinh 1
Cháu bé bị tiêu chảy do virus Rota.
Thấy con bị sốt liên tục hơn 1 ngày, chị Thái Thị Lê ở Thường Tín, Hà Nội đã đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây các bác sĩ kết luận cháu bé bị bệnh liên quan đến thời tiết lạnh, ẩm.
“Cháu nhà tôi được xác định là bị viêm họng, việm a-mi-đan. Cháu được 8 tháng tuổi”- chị Thái Thị Lê nói.
Hơn 1 tuần qua, mỗi ngày, khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 100 đến 150 bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, chủ yếu là trẻ dưới 1 tuổi, sinh non tháng, suy dinh dưỡng hoặc bị bệnh tim bẩm sinh. Trong số gần 4.000 trẻ đến bệnh viện này khám mỗi ngày, chủ yếu là trẻ mắc bệnh đường hô hấp và tiêu chảy do virus.
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Những trường hợp viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản nặng thì bệnh nhân thường có biểu hiện khó thở và tím tái. Vì vậy, để phòng tránh những bệnh này thì thứ nhất khi đi ra ngoài trời cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Thứ 2, thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Trong những trường hợp trẻ bị bệnh nặng, ví dụ như những trẻ có tình trạng sốt cao liên tục, trẻ ho nhiều, khó thở, kích thích, quấy khóc, thậm chí trẻ li bì, bỏ bú thì phải đưa trẻ đến viện điều trị càng sớm càng tốt”.
Tiết trởi lạnh, nồm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, không chỉ gây nên bệnh về đường hô hấp mà còn là nguyên nhân của bệnh sởi, ho gà, thủy đậu, cúm gia cầm… Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất cho trẻ là tiêm vắc xin đầy đủ.
tiet troi lanh am nhieu tre em va nguoi gia phai cap cuu hinh 2
Một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Thời tiết lạnh giá như hiện nay cũng bất lợi cho người cao tuổi, nhất là người mắc bệnh huyết áp cao, tim mạch. Theo bác sĩ Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, nửa tháng qua, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận gần 20 bệnh nhân nhồi máu não (đột quỵ), tăng khoảng 10% so với bình thường.
Bác sĩ Mai Duy Tôn cho biết, các nghiên cứu cho thấy, trong thời tiết lạnh, số bệnh nhân bị đột quỵ cũng như các bệnh lý tim mạch tăng tới 25%.
Bác sĩ Mai Duy Tôn cho hay: “Mùa lạnh, huyết áp bao giờ cũng có xu hướng tăng cao so với thời tiết không lạnh. Khi huyết áp tăng cao thì luôn có nguy cơ đột quỵ. Thứ 2 là khi trời lạnh, cơ thể của chúng ta thường có hiện tượng co mạch. Máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch và đó chính là nguyên nhân gây đột quỵ. Nguyên nhân thứ 3 là trong môi trường lạnh, người bệnh thường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và cúm. Chính vì những điều này làm cho những người bị mắc các bệnh nền trước đó dễ dàng bị đột quỵ hơn những bệnh nhân thông thường”.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người bị đột quỵ, nên gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm, càng tốt. Khung giờ vàng để cấp cứu đột quỵ là dưới 6 tiếng đồng hồ. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà, dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ; nếu bệnh nhân có răng giả thì phải lấy ra. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ thứ gì để tránh bị sặc.
Trong điều kiện thời tiết vẫn có xu hướng rét đậm, rét hại kéo dài, người dân nên giữ ấm cơ thể, không đi ra ngoài vào đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể. Những bệnh nhân huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị, tránh mất ngủ và căng thẳng thần kinh.
Theo Văn Hải / VOV