Nắng nóng nhu cầu giải khát tăng cao. Vì thế những ngày này, quán hàng nước mía lại mọc lên như nấm. Cũng bởi việc mở quán nước mía khá đơn giản. Chỉ cần có một ki ốt nho nhỏ, một máy xay nước mía, vài bộ bàn ghế, cốc nhựa là đã đủ để mở một quán nước mía. Hiện nay, giá mía trên thị trường khá rẻ chỉ khoảng vài chục nghìn đồng một bó trong khi một ly nước mía đá có giá 10.000 đồng. Thậm chí tại Hà Nội, nhiều khi trời nắng nóng đỉnh điểm, nhiều quán hàng còn tự ý nâng giá bán một ly nước mía lên tới 15.000 đến 18.000 đồng.
Theo nhiều người bán nước mía, mỗi ngày bán từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm mang về thu nhập hơn chục triệu đồng. Tính ra trừ chi phí cũng có lãi đến vài triệu đồng một ngày.
Theo anh Nguyễn Thế Hùng, chủ một quán nước mía tại Sân vận động Mỹ Đình thì mỗi ngày nắng nóng giúp cho vợ chồng anh Hùng có lãi từ 5 đến 7 triệu đồng. Thậm chí, có ngày còn lãi hơn bởi nắng nóng, người dân thường đổ ra khu vực này hóng gió buổi tối và uống nước mía.
“Nhiều ngày tôi cạo mía không kịp bán. Có những ngày cao điểm bán được cả nghìn cốc nước mía. Gia đình tôi thay phiên nhau bán từ 4 giờ sáng đến 1 giờ đêm”, anh Hùng cho biết.
Theo chị Thủy, một người bán nước mía khác trên đường Nguyễn Trãi thì một cây mía mua tại chợ đầu mối tính cả chi phí vận chuyển chừng 7.000 đồng. Ép 1 cây mía được khoảng 4 cốc nước, bán mỗi cốc 10.000 đồng. Như vậy, một cây mía cũng có lãi hơn 30.000 đồng. Những ngày trời càng oi nóng, thì bán nước mía càng chạy.
|
Nhờ bán nước mía mà nhiều người có thu nhập cao những ngày nắng nóng. |
Nhờ những quán nước giải khát mọc lên như nấm mà nghề chở đá viên cũng giúp cho nhiều người kiếm vài triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nghề rất vất vả. Bởi, người chở đá thường phải chạy ngoài đường dưới cái nắng đôi lúc đến hơn 40 độ C. Song song với đó là phải vào xưởng làm đá dưới 0 độ C để nhập hàng. Do đó, nếu không có sức khỏe tốt sẽ không thể làm nghề này. Bởi sự chênh lệnh nhiệt độ giữa xưởng làm đá viên và ngoài trời khá cao dễ dẫn đến việc cơ thể bị cảm.
Anh Nguyễn Thanh Hưng (Thanh Oai – Hà Nội) làm nghề chở đá viên được khoảng 5 năm nay. Những ngày nắng nóng là những ngày vất vả nhất đối với anh. Theo anh Hưng, trung bình mỗi chuyến xe chở được chừng 3 tạ đá và lãi được khoảng 400.000 đồng. Một ngày bình thường anh chở khoảng 8 chuyến. Thậm chí, có những ngày anh chỉ ngủ khoảng 3 giờ đồng hồ và chở hơn 10 chuyến đá.
“Tôi nhập đá từ xưởng sản xuất và đi bán cho các nhà hàng, quán ăn, quán nước vỉa hè ở quận Hoàng Mai. Giá đá túi dao động từ 8.000 – 12.000 đồng/túi. Thậm chí những ngày nắng nóng, nhiệt độ lên đến 40 độ C, giá đá túi còn tăng lên mức 15.000 đồng/túi. Tính ra thu nhập mỗi ngày cũng khá. Tuy nhiên, chỉ những tháng hè là bận bịu còn mùa đông thì vừa làm vừa chơi”, anh Hưng nói.
|
Chở đá viên cho thu nhập cao nhưng đòi hỏi người chở đá phải có sức khỏe. |
Ngoài những người bán nước mía, chở đá viên thì thợ sửa điều hòa ngày nắng nóng cũng bận rộn không kém. Thậm chí, có những người làm việc không có thời gian nghỉ ngơi do lượng khách hàng quá nhiều.
Theo những người thợ sửa điều hòa thì nhiều hôm họ còn phải làm xuyên đêm do lượng khách hàng quá đông vừa bảo dưỡng lẫn lắp đặt.
“Năm nào cũng thế, với thợ sửa điều hòa thì mùa hè chính là thời điểm kiếm tiến để tiêu cả năm. Ngày nào cũng “đầu tắt mặt tối” đi làm từ sáng sớm, nửa đêm mới về đến nhà. Nhiều hôm về mệt quá đi ngủ luôn không cả ăn uống, tắm táp. Tuy nhiên, mùa đông thì lại chơi dài. Mùa đông ít việc việc, chủ yếu đi bảo dưỡng điều hòa 2 chiều cho các công ty, cửa hàng là chính. Do vậy, mùa hè chính là mùa mang lại thu nhập cao”, anh Chiến – một người thợ sửa điều hòa từng chia sẻ với Chất lượng Việt Nam online.
Tuy nhiên, những người thợ sửa điều hòa khuyên người dùng nên tiến hành bảo dưỡng, kiểm tra điều hòa từ khoảng tháng 1 đến tháng 3 Dương lịch. Khi đó, thợ sửa điều hòa ít việc, họ có thể đến bảo dưỡng nhanh chóng và làm cẩn thận, giá thành cũng rẻ hơn. Đợi đến thời điểm nắng nóng đỉnh điểm thì giá thành cao và gọi thợ cũng không hề dễ dàng gì.
Theo Phương Nam/Vietq