Đó là nhận định của nhà phân tích Prashanth Parameswaran trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 24/5/2016.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ảnh AP |
Trong một động thái lịch sử, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tại Hà Nội ngày 23/5 rằng Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kéo dài nhiều thập kỷ về việc bán vũ khí cho Việt Nam.
Động thái này không chỉ quan trọng đối quan hệ Mỹ-Việt Nam mà còn tác động đến một khu vực rộng lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương. Động thái này rõ ràng là rất quan trọng đối với quan hệ song phương Mỹ-Việt vốn bắt đầu bình thường hóa dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995.
Việc phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam đã loại bỏ một trở ngại quá khứ và mở đường cho mối quan hệ được cải thiện trong tương lai, theo lời Tổng thống Obama.
Các quan chức Việt Nam từ lâu đã nói rằng việc Wahsington bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sẽ là một dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Việt đã hoàn toàn bình thường. Động thái này cũng phù hợp với mong muốn của cả hai bên về việc gạt sang một bên quá khứ và hướng tới về phía tương lai.
Đây là một bước tiến lớn trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt Nam. Sau khi ký kết Tuyên bố 2015 phần Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương cuối tháng 6/2015, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một bước tiến lớn, mặc dù việc bán vũ khí Mỹ trên thực tế vẫn phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt và được phê duyệt trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Gần đây, hai bên đã tiến hành các biện pháp cần thiết để mở đường cho các giao dịch trong tương lai - trong đó có việc tổ chức một hội nghị chuyên đề về công nghiệp quốc phòng đầu tháng này để tạo điều kiện tương tác giữa các quan chức Việt Nam và các công ty quốc phòng của Mỹ.
Động thái Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có ý nghĩa vượt ra ngoài quan hệ song phươngt. Chính quyền Obama coi quan hệ Mỹ -Việt Nam tốt đẹp là một động lực thúc đẩy đối với chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù quan hệ song phương đã bắt đầu bình thường hóa từ năm 1995, việc Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí được coi là một phần của nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt Nam.
Trong bối cảnh Mỹ đang thực thi chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho thấy tầm quan trọng của quan hệ đối tác với khu vực Đông Nam Á, trong đó có quan hệ đối tác với Việt Nam và các nước khác như Malaysia (ngoài liên minh truyền thống với Thái Lan và Philippines).
Việc Việt Nam tham gia một loạt các sáng kiến do Mỹ đứng đầu - từ Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương đến Sáng kiến an ninh hàng hải mới - cùng với sự đóng góp ngày càng tăng của Việt Nam đối với khu vực và thế giới trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đã tăng đáng kể so với vài năm trước đây.
Việc Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí mở ra cơ hội nâng cao khả năng quốc phòng và vị thế của Việt Nam trong bức tranh khu vực tương lai.
Tác động của việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực. Động thái này của Mỹ, được đưa ra sau vụ Philippines kiện Trung Quốc ngang ngược thâu tóm Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc và khu vực.
Trái với một số giải thích – trong đó có giải thích của Bắc Kinh – động thái này của Mỹ không nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chính các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc như đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông trong năm 2014 đang khiến cho các nước trong khu vực xa lánh Trung Quốc và xích lại gần Mỹ. Cùng với một loạt thỏa thuận mà Washongton ký kết với các quốc gia Đông Nam Á, việc Philippines ký kết Hiệp định Phòng thủ mới với Mỹ là một minh chứng rõ ràng.
Vì vậy, trong khi tác động của việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam chủ yếu được xem xét qua lăng kính quan hệ song phương, trong thực tế ý nghĩa của nó không dừng ở đó.
Minh Châu (Theo The Diplomat)