Với khả năng tác chiến vượt trội, F-35C được kỳ vọng sẽ là mũi nhọn của Hải quân Mỹ trong các cuộc xung đột tiềm năng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt trong kịch bản đối đầu với Trung Quốc.
F-35C là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 được triển khai từ tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ. Chiến đấu cơ này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2019 và là phiên bản mới nhất trong số 3 biến thể của dòng F-35. Với khả năng gập cánh lớn hơn, lực nâng mạnh hơn và khoang chứa nhiên liệu rộng hơn F-35A, F-35C được thiết kế để phóng và thu hồi máy bay từ boong tàu sân bay (CATOBAR) trong các nhóm tác chiến tàu sân bay. Đầu cánh gập có thể tiết kiệm không gian cho boong tàu sân bay bởi F-35C có phần cánh lớn hơn đáng kể so với F-35A và F-35B.
Tải trọng tối đa của F-35C là 8 tấn, lớn hơn so với tải trọng tối đa của F-35B của Thủy quân lục chiến là gần 7 tấn. Các tiêm kích tàng hình F-35C cũng hỗ trợ phạm vi chiến đấu trong 670 hải lý, trong khi bán kính hỗ trợ của F-35B là 505 hải lý. F-35C cũng sẽ đem tới bước nhảy vọt về khả năng so với các chiến đấu cơ được triển khai từ tàu sân bay của Hải quân Mỹ hiện nay như F/A-18E/F Super Hornet của Boeing.
Với những khả năng sẵn có, F-35C còn có thể dễ dàng tấn công nhiều mục tiêu trong một lần xuất kích và thực hiện các nhiệm vụ xâm nhập sâu. Khả năng tổng hợp cảm biến của F-35C cũng khiến nó có thể xây dựng thông tin chiến đấu chính xác và chi tiết để chia sẻ với tất cả các phương tiện khác được kết nối trên không, trên đất liền và trên biển.
Cấu hình vũ khí bên trong của F-35C cũng đảm bảo khả năng tàng hình trước các hệ thống phòng không tinh vi nhất của kẻ thù trong khi thiết kế giảm tải vũ khí bên ngoài đã hy sinh phần nào khả năng quan sát để bù đắp cho hỏa lực của máy bay đạt mức độ cao nhất.
Phi đội tiêm kích tấn công VFA-86 “Sidewinders” - một trong những đơn vị giàu truyền thống của Hải quân Mỹ từ năm 1951 - đã chính thức hoàn tất quá trình chuyển đổi từ F/A-18 Super Hornet sang F-35C sau khi vượt qua giai đoạn thử nghiệm để được nhận Chứng nhận An toàn bay (Safe-For-Flight Operations Qualification).
Đây là bước cuối cùng để xác nhận rằng phi đội đã sẵn sàng vận hành loại máy bay mới, với đầy đủ nhân lực, cơ sở hạ tầng, và khả năng hậu cần cần thiết.
Chỉ huy phi đội, ông Nathan Staples, chia sẻ: “Tôi rất tự hào về thành tích của đội. Chúng tôi đã xuất sắc vượt qua mọi thách thức kể từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi vào tháng 2/2023, và tôi tin tưởng vào những tiêu chuẩn cao mà chúng tôi sẽ đặt ra cho cộng đồng Lightning II trong tương lai”.
F-35C là phiên bản duy nhất trong dòng Lightning II được thiết kế đặc biệt cho hoạt động trên tàu sân bay, với khả năng tác chiến tầm xa và tàng hình tiên tiến. Chiếc máy bay này sẽ đóng vai trò trung tâm trong các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, thay thế dần F/A-18 Super Hornet sau 36 năm phục vụ.
Nếu xảy ra xung đột, F-35C sẽ là mũi nhọn trong chiến lược ngăn chặn. Với các cảm biến tiên tiến, F-35C không chỉ tự mình phát hiện và tiêu diệt máy bay đối phương, mà còn dẫn đường cho các lực lượng mặt đất, không quân, và hải quân đồng minh tấn công mục tiêu một cách hiệu quả.
Hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng F-35C sẽ tăng cường khả năng phóng chiếu sức mạnh của nhóm tác chiến tàu sân bay, hỗ trợ an ninh quốc gia Mỹ và tích hợp một cách liền mạch với các tài sản khác của cánh không quân tàu sân bay.
F-35C Lightning II không chỉ là một máy bay chiến đấu, mà còn là bộ điều phối chiến trường nhờ khả năng kết nối và tối ưu hóa sức mạnh của các lực lượng đồng minh.
Sự kết hợp giữa tính năng tàng hình, cảm biến hiện đại và khả năng đa nhiệm khiến F-35C trở thành lựa chọn lý tưởng cho các cuộc xung đột với đối thủ ngang tầm. Với tốc độ triển khai nhanh chóng, chiếc tiêm kích này đang dần khẳng định vị thế là xương sống của Hải quân Mỹ trong kỷ nguyên tác chiến hiện đại.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự xuất hiện của F-35C không chỉ củng cố sức mạnh Hải quân Mỹ, mà còn là lời khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng đối phó với mọi thách thức.