Làng Đại Bi nay là Đại Yên, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội hiện đang lưu giữ ngôi mộ thờ phụng Ngọc Hoa Công Chúa trong khuôn viên Đình Đại Yên. Câu chuyện tương truyền về cô bé "người trời" 9 tuổi ra tay giúp vua Lý làm nên đại thắng chỉ trong một trận đánh đến nay vẫn còn lưu danh.
Nhân dân trong làng coi nàng như Thành hoàng không chỉ bởi chiến công nức tiếng mà cái chết trong đêm đầy huyền bí càng làm tăng thêm lòng tin rằng nàng chính là “người trời” phái xuống.
|
Đình Đại Yên thờ phụng Ngọc Hoa Công Chúa |
Nắm chặt vạt áo cha đòi cho đi đánh giặc.
Theo Thần phả để lại thì Ngọc Hoa Công Chúa húy là Trần Ngọc Tường, sinh ngày 14 tháng 3 năm Ất Hợi (1905). Cha của nàng là một thầy đồ dạy học tên Trần Huấn người ở Cửu Chân, Thanh Hóa.
Vì giặc dã xâm lăng bờ cõi nên ông gác nghiệp sách bút lên đường tòng quân ra Bắc đánh giặc giữ nước. Sau đó ông kết duyên với bà Đồ Trần là một phụ nữ làm nghề buôn bán. Ngoài cái định mệnh ông kết bà cũng bởi cái tính hiền lành, chịu thương, chịu khó.
Chuyện kể lại rằng, ngày sinh hạ cô bé Ngọc Tường cũng là ngày giặc Ma Na do vua Chiêm Thành mở rộng đánh chiếm dày xéo dân ta.Với ý định xâm lấn 3 châu về phía Nam nước ta chúng đem một lực lượng hùng hậu đi đến đâu càn quét tới đó.
Tình hình trong nước lúc bấy giờ như “ngàn cân treo sợi tóc”. Vua Lý ban lệnh tòng quân và chiêu mộ nhân tài trong khắp nhân dân, cha nàng cũng ra trận với nhiều trận giao tranh nhưng vẫn không có sự thay đổi nào về tình thế giữa ta và địch.
Năm nàng lên 9 tuổi trong một lần cùng mẹ tiễn cha xuống thuyền trẩy binh thì Ngọc Tường cứ nằng nặc đòi mẹ cho theo cha cho đi đánh giặc, nghĩ con gái vì nhỏ tuổi chắc là nhớ cha nên đòi theo là điều bình thường. Chỉ đến lúc cô bé cứ van nài quyết đi cho bằng được, không ai cản nổi.
Lúc ấy, chủ soái Lý Thường Kiệt không chỉ thấy cô bé quá đỗi nhiệt tình mà ông còn có một niềm tin rất mãnh liệt không thể lý giải. Ông chấp thuận cho đi theo cho dù trong lòng không khỏi hồ nghi về khả năng của cô bé ấy.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Hợi, phó Ban quản lý khu di tích đình Đại Yên cho biết thêm: có một điều rất lạ đó là cha của Ngọc Tường đã ra quân rất nhiều lần, tướng lĩnh triều đình cũng thế nhưng chưa có trận nào toàn thắng. Vua Lý đã khẩn thiết chiêu mộ nhân tài đứng ra giúp nước nhưng vẫn chưa có kết quả.
Lúc bấy giờ, cô bé 9 tuổi nêu ý kiến rằng mình phải tìm hiểu được sự tình và bố trí bên trong của quân địch thì mới có khả năng đánh bại chúng. Nhà Vua đã sửng sốt, nhưng nghĩ lại thế quân địch rất mạnh lại được canh giữ rất cẩn mật nên việc thâm nhập là điều không thể. Cô bé liền nói với nhà Vua để mình sẽ đứng ra làm mật thám để dò la tin tức, tình hình địch nhà vua đã đồng ý”.
|
Ông Phạm Đình Hợi, phó Ban quản lý khu di tích đình Đại Yên |
Ngoài ra, trong bảng Thần phả có đoạn viết “ tới miền đất địch quân ta và quân địch giao chiến không phân thắng bại. Phòng tuyến Chiêm thành canh gác cẩn mật, quân do thám Đại Việt không lọt vào được.
Ngọc Tường giả trang làm một em bé đi bán trầu cau, thuốc lào vào đất địch dò la tin tức. Nàng lựa thời cơ làm ám hiệu cho quân ta xông vào diệt địch. Giặc thua phải rút quân về đất nước sạch bóng quân thù”. Sau trận thắng đó nhà Vua đã phong cho cô bé 9 tuổi tước hiệu là Ngọc Hoa Công Chúa và câu chuyện được nhân dân lưu danh cho đến bây giờ.
Ẩn số về cái chết của Ngọc Hoa Công Chúa
Cho đến nay nguyên nhân thực sự về cái chết của cô Công Chúa 9 tuổi này vẫn chưa có lời giải. Theo tìm hiểu của phóng viên thì ông Hợi cũng như những người khác trong bản quản lý cũng chỉ biết được thông tin qua những văn bản ghi chép chủ yếu là về gia thế cũng như bày tỏ về công trạng của Ngọc Hoa Công Chúa chứ không mấy đề cập đến cái chết như thế nào.
Theo manh mối duy nhất trong trong Thần phả có đoạn ghi lại “Đêm tháng chạp năm Giáp Thân(1104) bỗng trời đất tối đen, phong ba nổi lên, lúc đó Ngọc Hoa mất. Sáng hôm sau thi thể của Nàng mối xông thành gò”.
Sự trùng hợp giữa cái chết ngay sau khi đánh thắng giặc và được Vua Lý sắc phong làm Công Chúa khi nàng mới 9 tuổi với cái chết trong đêm huyền bí càng làm cho người dân tin rằng nàng chính là người trời phái xuống để cứu dân, giúp nước. Xong nhiệm vụ thì nàng lại phải quay về trời.
Ông Hợi cho biết “ khi nàng Ngọc Tường được sắc phong làm Công Chúa thì nàng ở lại quê hương và nhiều khả năng là nàng ở một mình chứ không có người thân bên cạnh thì mới có chuyện sáng hôm sau mối mới xông thành gò xung quanh thi hài của nàng”.
|
Gò đất rộng được coi là phần mộ của Ngọc Hoa Công Chúa |
Điều này cũng đặt ra nghi vấn là lúc ấy cha mẹ nàng ở đâu? Mất hay còn? Trong sử sách không thấy đề cập tới.Với công lao to lớn đó nhà Vua đã cho làng Đại Yên lập miếu, nhân dân coi Ngọc Hoa Công Chúa là Thành hoàng làng và ngày đêm thờ phụng.
Trong đình Đại Yên hiện tại vẫn còn lưu giữ những tấm bảng sắc phong của các vị vua qua các triều đại, trong đó có bản dịp mừng thọ 50 tuổi của vua Tự Đức 33(24/11/1850) ghi: “Đặc biệt phong cho Thành hoàng đạo sắc Bản cảnh Thành hoàng linh phù chi thần”.
Ngày nay, ngôi mộ của Công Chúa Ngọc Hoa được trùng tu lại khang trang cùng với khu đình thờ. Ngôi mộ nằm ở phía sau và điều đặc biệt là sau khi nàng Ngọc Hoa mất gò đất càng ngày càng to ra. Trên đó cây cối mọc xanh tốt, những người làm công việc trông coi và quản lý ở đây vẫn tin rằng thi hài của nàng công chúa 9 tuổi ra tay cứu dân, giúp nước ở dưới gò đất là có thật.
Kiến trúc “độc nhất miền Bắc” của đình Đại Yên
Đình Đại Yên được xây dựng từ thế kỉ thứ XII - XIII và đã qua nhiều lần sửa chữa, nổi bật nhất là hai lần trùng tu vào năm 1886 và 1901. Hiện nay, cổng đình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu ngũ môn, 3 hiện 2 ẩn với cửa giữa nằm trong hai trụ lớn kiểu lồng đèn.
Đình quay về hướng Tây, gồm cổng, sân gạch, hai bên có tả vu, hữu vu, nhà tiền tế, đại bái, hậu cung. Phía sau có mộ công chúa Ngọc Hoa được xây thành hình vuông.
Nhà tiền tế được kết cấu theo kiểu vì kèo trụ trốn, 4 gốc ở bốn chân cột vẩy ra thành bốn chiếc bẩy, ở bốn gian bên, mái được lót kín theo kiểu vòm cuốn (vỏ cua), một hình thức hiếm thấy ở đình chùa miền Bắc, giống như kiểu kiến trúc đình chùa ở Huế.
Trang trí trên các bức cốn của nhà tiền tế, gồm 3 gian với 4 hàng chân cột, có tường hồi bít đốc, kết cấu bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường, con nhị. Ngoài ra có các hình vẽ rồng cuốn thuỷ, rồng cuốn cột ở các cột sơn son thếp vàng.
Trung Dũng