Sáng 2/3, kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội khóa XV, đã xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Khóa XV.
TS Nguyễn Thuý Hoa, Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng, kỳ họp bất thường lần thứ tư tiếp tục được đánh giá là hoạt động kịp thời của Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, vì sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, việc kịp thời kiện toàn nhân sự lãnh đạo của bộ máy Nhà nước trong kỳ họp này đã góp phần lựa chọn cán bộ đủ đức, tài, sẵn sàng cống hiến vì lợi ích chung, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ của đất nước trong những năm tiếp theo.
Trước đó, 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra vào tháng 1/2022 và tháng 1/2023. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam, kỳ họp bất thường khai mạc ngày 4/1/2022 tại Hà Nội.
Kỳ họp “bất thường” lần thứ nhất thể hiện rõ sự đổi mới, chủ động, năng động, quyết liệt, đồng hành của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nội dung lớn, đặc biệt quan trọng, cấp bách tới quốc kế, dân sinh đã được Quốc hội xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng. Quốc hội đã thông qua các luật và nghị quyết quan trọng.
Cụ thể, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Các nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Kết quả này không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo ông Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp của Quốc hội, việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV được xem là quyết định lịch sử, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần biến “nguy” thành “cơ”, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức trong thời kỳ dịch bệnh và đạt được những kết quả rất đáng tự hào.
Điều này đúng với tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Với việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp bất thường trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”.
Tiếp nối thành công của kỳ họp bất thường đầu tiên, kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội diễn ra từ ngày 5 đến 9/1 trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Có 5 nội dung được trình xem xét, thông qua.
Đó là những vấn đề cấp bách, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu: “Xem xét, quyết định vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Cái gì chưa cấp bách hay chuẩn bị chưa kỹ thì chưa đưa vào xem xét”.
Mặc dù thời gian kỳ họp ngắn, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bộ, ngành liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tập trung cao độ, kịp thời tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Chưa đến 10 ngày sau kỳ họp bất thường lần thứ hai, kỳ họp bất thường lần thứ ba diễn ra ngày 18/1, đã thông qua Nghị quyết về miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc vì lý do cá nhân. Đây là hành động “chuyển mình” mạnh mẽ trong việc sắp xếp, bố trí, kiện toàn nhân sự cấp cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản trị quốc gia.
Đánh giá về thành công của 4 kỳ họp bất thường vừa qua, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, với việc tổ chức các kỳ họp bất thường, Quốc hội đã khẳng định bản lĩnh, sự quyết đoán, quyết tâm và quyết định kịp thời những vấn đề cấp bách cần xử lý ngay của đất nước; đồng thời, thể hiện những nỗ lực của Quốc hội trong đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn vì lợi ích của Nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Nhận định trên cũng trùng hợp với phát biểu của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: “Họp bất thường để xử lý vấn đề cấp bách trước thực tiễn đất nước. Kỳ họp bất thường vì quốc kế, dân sinh, vì sự phát triển của đất nước. Việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà để 6 tháng sau mới giải quyết thì tốc độ phát triển của đất nước sẽ chậm đi ít nhất 6 tháng, chưa kể có độ trễ và về nguyên tắc sẽ còn chậm hơn nữa”.
Trình bày Báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ hai và thứ ba, Quốc hội khóa XV tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: “Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội”.
Mặc dù được triệu tập bất thường, song công tác chuẩn bị, tổ chức được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Sự nỗ lực và kết quả của các kỳ họp đã được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, kỳ họp lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong 22 ngày, từ 22/5 đến 20/6 (dự phòng ngày 21/6). Công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương, nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị nên cân nhắc bố trí chia chương trình kỳ họp thành 2 đợt, cách nhau một tuần và cân nhắc tính toán thời gian những nội dung về công tác lập pháp, để cơ quan của Quốc hội có thời gian nghiên cứu, phối hợp các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, đảm bảo chất lượng và thấu đáo.
Đề cập những quyết sách đã được thông qua tại các kỳ họp bất thường, TS Nguyễn Thúy Hoa đánh giá, Quốc hội khóa XV đã để lại dấu ấn đổi mới với nhiều quyết định chưa có tiền lệ trên tinh thần nhất quán. Những quyết sách của Quốc hội mang tính chất “tam hợp” - hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân - đều đặt người dân vào vị trí trung tâm.
Trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kịp thời đưa ra những quyết định mang tính chiến lược.
Điểm nhấn chính của kỳ họp này là Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2002/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng (tương đương hơn 8% GDP) để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây là “đòn bẩy” quan trọng để phục hồi và phát triển đất nước, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
Tiếp đó, Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề phát triển đất nước. Đáng chú ý nhất là Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
TS. BS Phạm Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh - Tế bào học, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đánh giá, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) có một số điểm mới và tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Cụ thể, luật quy định chuẩn hóa và nâng cao kỹ năng của đội ngũ hành nghề y dược. Quy định cấp giấy phép hành nghề từ xét hồ sơ sang thông qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, các cơ sở bắt buộc phải tự đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước liên thông kết quả khám, chữa bệnh.
Luật thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn, cho phép phòng khám đa khoa tư nhân ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức lưu giường để theo dõi và điều trị cho người bệnh nhưng không quá 72 giờ... Bên cạnh đó, đời sống nhân viên y tế sẽ tốt hơn.
Cũng theo ông Tuyến, đến ngày 1/1/2024, luật này mới có hiệu lực, nhưng ngay từ hiện tại, người dân đã được hưởng lợi khi chất lượng đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao. Bởi lẽ, muốn đáp ứng được những điều quy định trong luật sửa đổi, ngay từ bây giờ, các cơ sở đào tạo về y tế, cơ sở khám, chữa bệnh phải khởi động quy trình để thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Tạo, 60 tuổi - bệnh nhân ở Sơn La có dấu hiệu đột quỵ - cho biết, trong quá trình làm hồ sơ chuyển tuyến điều trị, nhờ có việc ứng dụng công nghệ thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tuyến địa phương và Bệnh viện Bạch Mai), ông không cần phải mang theo phim chụp, những kết quả xét nghiệm… được thực hiện trước đó. Nhờ sự liên thông, các bác sĩ ở Hà Nội vẫn có thể hội chẩn về bệnh nhân để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
“Điều này đã góp phần tăng cơ hội chữa bệnh cho bệnh nhân, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức cho người nhà, cũng như góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, ông Tạo nói.
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, kỳ họp bất thường của Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, trong số những quyết sách “tam hợp”, đáng chú ý nhất là công tác nhân sự - quyết định lớn mang tầm quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội. Nhân sự cao cấp được kiện toàn hợp lý, sẽ kịp thời giúp đất nước có bộ máy ổn định, vững vàng, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Đông đảo cử tri đánh giá, kết quả của những kỳ họp bất thường với quyết sách “tam hợp” đã tạo ra khí thế mới, cùng sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, sẽ đưa đất nước vượt qua khó khăn, không ngừng phát triển.