Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các đại biểu đã có trao đổi hành lang với PV Tri thức và Cuộc sống liên quan tới Dự thảo Luật này.
Đầu tư xe thang, trực thăng, máy bay để phòng cháy chữa cháy
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho hay, tình hình cháy nổ trong thời gian vừa qua hết sức phức tạp, gây những tổn thất rất lớn, nặng nề. Đó là điều xã hội quan tâm.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM). Ảnh: Mai Loan. |
Theo đại biểu, trong PCCC, công tác phòng ngừa là quan trọng nhất. Và để đạt được mục tiêu này, công tác tuyên truyền tới người dân là quan trọng. Cùng với đó, chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch. Không phải chỉ là quy hoạch liên quan đến PCCC, mà là quy hoạch về nhà ở, khu dân cư phải đảm bảo tính an toàn.
Thứ hai, là công tác về chữa cháy. Khi có sự việc xảy ra, công tác tổ chức chữa cháy như thế nào rất quan trọng, Vì thế, phải đầu tư nhiều hơn, nâng cao năng lực chữa cháy cho tuyến cơ sở ở tại các khu phố.
Thứ ba, về phương tiện chữa cháy, chúng ta phải lưu ý tới đặc điểm ở từng khu vực, ở từng ngõ phố hiện nay. Có những khu vực ta chưa thực hiện được quy hoạch về nhà ở. Có những khu phố rất chật hẹp, chúng ta phải tính tới những phương tiện nhỏ để đi vào các ngõ hẻm, hỗ trợ cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Hoặc trong quá trình phát triển hiện nay, các khu đô thị có nhiều tòa nhà cao tầng, phương tiện PCCC phải phù hợp. “Thậm chí chúng ta phải đầu tư thêm những hệ thống các phương tiện hiện đại như xe thang hay trực thăng, máy bay để hỗ trợ cho công tác PCCC một cách hiệu quả”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Một vấn đề nữa, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, là cần quan tâm hơn nữa tới lực lượng PCCC, nhất là các chiến sĩ. Cần có chế độ chính sách một cách tốt nhất, cao nhất đối với họ, để nâng cao thể trạng sức khỏe và họ yên tâm với nghề nghiệp của mình, từ đó giúp cho công tác PCCC hiệu quả hơn.
Về việc nhiều chung cư không cho phép để xe điện dưới hầm, để phòng tránh cháy nổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, tùy thuộc vào khu vực để xe thông thoáng không, có bình chữa cháy không, chứ không phải quy định theo tiêu chí phân chia các loại hình giao thông để PCCC.
Bổ sung thêm quy định đối với nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) cho hay, một điều đáng ghi nhận ở Dự thảo Luật lần này là đã tách, có quy định riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương). Ảnh: Mai Loan. |
Thực tế, ở các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn ở Việt Nam, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh rất phổ biến. Thường là tầng 1, 2 làm kinh doanh, còn trên là nhà ở. Chính vì vậy, nếu không tách quy định riêng đối với loại hình này thì sẽ có lỗ hổng trong phòng cháy chữa cháy.
“Loại hình nhà ở này rất dễ gây cháy, đặc biệt khi xảy ra cháy thì không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn cả về người. Vì vậy, việc tách bạch thành một quy định riêng đối với loại hình này là rất cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong công tác PCCC, việc phòng ngừa là rất quan trọng. Trong dự thảo luật cũng nêu rõ quan điểm phải chú trọng công tác phòng ngừa. Bởi nhiều vụ cháy xảy ra là do ý thức con người.
“Việc phòng ngừa giúp chúng ta ngăn chặn từ khi chưa có đám cháy. Nếu chúng ta phòng ngừa tốt sẽ giảm thiểu được rất nhiều hậu quả đau lòng”, đại biểu Việt Nga nêu ý kiến.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Mai Loan. |
Đánh giá cao việc Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu trong xây dựng Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, quy định PCCC đối với mô hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã khá chi tiết, đầy đủ, về cơ bản đã đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, đây là loại hình nhà ở có nguy cơ cháy nổ rất cao. Và thực tế, nhiều vụ cháy nổ đã xuất phát từ các kho hàng ở trong loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đề nghị , ngoài các quy định hiện nay trong dự thảo, cần phải bổ sung các thiết bị báo cháy cơ sở. Khi có dấu hiệu hỏa hoạn các thiết bị này báo cháy để cho chủ nhà hoặc người dân biết mà di chuyển khỏi nhà một cách kịp thời. Đồng thời, báo cho cơ quan chức năng biết để chữa cháy, tránh thiệt hại cho nhân dân.
Cùng với đó, cần có quy định cụ thể hơn về việc để các vật liệu, hàng dễ cháy, dễ nổ cách xa nguồn điện, hệ thống bếp đun nấu… đảm bảo khoảng cách an toàn.
Liên quan đến những vụ cháy do chập, cháy điện, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, để phòng tránh, ngành điện lực cần phải hướng dẫn các hộ dân, các cơ quan, đơn vị tổ chức lắp đặt các thiết bị điện đảm bảo quy chuẩn, đảm bảo chất lượng. “Cùng với đó, hướng dẫn các gia đình, các tổ chức, cơ quan thường xuyên rà soát, thay thế kiểm tra các thiết bị điện có dấu hiệu hư hỏng. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng tránh và kỹ năng xử lý khi xảy ra sự cố chập điện”, đại biểu nêu ý kiến.
Báo cáo tiếp thu giải trình về các nội dung liên quan đến dự thảo Luật trong phiên thảo luận sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đề nghị tách Điều 17 về phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều, gồm 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) trao đổi về Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 8. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan