Sáng 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cần ngăn chặn lừa đảo, đánh cắp thông tin trên mạng xã hội
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra trong báo cáo. Tronng đó, đại biểu kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết căn cơ xử lý ngăn chặn các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
|
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Phạm Thắng. |
Với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.
"Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội", đại biểu nêu ý kiến.
Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay, trong đó có khá nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngoài những quy định cấm hút thuốc lá Chính phủ đã ban hành, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội đi cùng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Siết chặt việc mua bán xe đạp điện không đảm bảo chất lượng
Liên quan đến đảm bảo an toàn tính mạng đối với học sinh, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk) nêu ý kiến về việc mùa bán xe đạp điện không đảm bảo chất lượng.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo đại biểu, thời gian qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng nhiều giải pháp tổng thể được tăng cường, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua số liệu năm 2024 cho thấy, tình hình an ninh, an toàn giao thông tiếp tục có chiều hướng tăng.
Trong các nguyên nhân, đáng lưu ý là công tác quản lý, điều khiển phương tiện giao thông xe đạp điện. Tuy số vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra chưa nhiều, nhưng có nhiều vụ rất nghiêm trọng, để lại hậu quả thương tâm cho gia đình và xã hội...
Với sự gia tăng nhanh về số lượng, chủng loại và người điều khiển chủ yếu là lứa tuổi học sinh, xe đạp điện là phương tiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và tai nạn giao thông. Trước tình hình đáng báo động trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.
Trong đó, cần chú ý đến việc hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động của xe thô sơ, nhất là xe đạp điện; chỉ đạo UBND cấp tỉnh đồng bộ, thống nhất trong việc ban hành các quy định về phạm vi hoạt động của xe thô sơ; khắc phục tối đa những vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý hành vi vi phạm.
Đồng thời tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện, đặc biệt là siết chặt, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, mua bán những loại xe không đảm bảo chất lượng trên thị trường.
Mai Loan