Vũ Huyền Trang hiện đang sinh sống và làm việc tại Osaka, với người bạn đời cùng nhau học tập tại Đại học Osaka Jogakuin. Trải qua nhiều thăng trầm cùng nhau nơi xứ sở hoa anh đào, hai bạn về Việt Nam kết hôn, sinh con sau đó quay trở lại Nhật Bản, hoàn tất việc học và định cư luôn ở đây.
“Ở Osaka, nơi mà Tết Việt chỉ là một ngày như bao ngày khác, dù cố gắng giữ gìn văn hóa để dạy cho con luôn nhớ về quê hương, mình và chồng cũng không còn nhiều thời gian để chuẩn bị những phong tục quen thuộc. Công việc, con cái và những trách nhiệm trong gia đình về kinh tế, sinh hoạt, 2 vợ chồng chỉ có thể nhớ về Tết xưa ở quê bằng cách cố nấu một nồi thịt đông giống mẹ từng làm hay luộc một ít bánh chưng từ bạn bè về Việt Nam ăn Tết mang sang”.
Dù ở Nhật đã lâu, Huyền Trang không có nhiều đồng hương sống gần. Đa số đều cách xa nhau cả trăm cây số nên để tụ họp lại cũng không hề dễ dàng. Trang cho biết, dù thường xuyên gọi điện về gia đình ở Việt Nam, để con nhỏ biết và nhớ ông bà nội ngoại, nhưng điều kiện chưa cho phép để trở về vào dịp Tết. Huyền Trang hy vọng rằng khi cuộc sống ổn định hơn, Trang và chồng sẽ có thể đưa cả gia đình nhỏ của mình trở về Việt Nam vào một mùa xuân gần nhất.
"Tết không chỉ là ngày lễ, mà còn là dịp để nhắc nhở về nơi chúng mình và con thuộc về”, cô chia sẻ.
![[e-Magazine] Tết xa nhà của du học sinh Việt: Nỗi niềm trong con chữ - Hình 7 [e-Magazine] Tet xa nha cua du hoc sinh Viet: Noi niem trong con chu-Hinh-7](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/2560/uploaded/ctvcongdongtre/2025_01_29/e-magazine-tet-xa-nha-cua-du-hoc-sinh-viet-noi-niem-trong-con-chu-hinh-7.jpg)
Nguyễn Cường An, chàng trai dành 1 năm để trải nghiệm cuộc sống tại Úc trước khi nhập học từng nghĩ rằng, đón năm mới tại trời Tây sẽ là trải nghiệm thú vị, nhưng sự thật là hương vị ngày Tết Việt đã khiến cậu chàng nhung nhớ khôn nguôi vì “ở Úc không có Tết”.
“Tết năm ngoái, là Tết đầu tiên của em ở Úc, em đã nghĩ mình sẽ vui lắm vì chẳng cần làm việc nhà, hay ăn những món ăn béo ngậy mà bà và mẹ nấu. Nhưng hóa ra, khi thiếu đi những thứ đó ngày cuối năm lại khó chịu hơn em tưởng. Đặc biệt là em nhớ mùi bò kho - món ăn mà em từng sợ nhất ngày Tết vì mẹ nấu quá nhiều, bây giờ lại là thứ mà em thèm nhất”, Cường An hài hước chia sẻ.
“Năm ngoái, em từng tới những nhà hàng của người Việt tại đây để ăn cho đỡ nhớ, và chính em cũng mua đồ về, gọi điện nghe mẹ hướng dẫn qua điện thoại để nấu theo mấy món ăn ngày Tết, vì em cũng khá tự tin vào tay nghề của mình. Nhưng mà em nhận ra, cái em cần nhất không chỉ là đồ ăn, mà là không khí sum vầy của cả gia đình. Vậy nên, Tết năm nay em nhất định sẽ về nhà trước khi nhập học đại học tại đây. Cả những năm tới, nếu không thực sự gặp khó khăn hay trở ngại gì về công việc học tập, nhất định Tết đến em sẽ có mặt ở nhà”.
Cường An sống cùng gia đình chị họ định cư tại Úc, nên dễ kết nối được với cộng đồng người Việt tại đây. Anh chàng đã từng thử hòa mình vào với chợ Tết của người Việt mở tại Úc, nhưng tất nhiên tại quốc gia khác không thể có được những món ăn, những món đồ trang trí, đặc biệt là không khí, mùi vị của quê hương. Dường như “ăn Tết trời Tây” luôn là nỗi niềm khó tả trong lòng mọi du học sinh Việt.
Dẫu biết rằng mỗi bước chân trên hành trình học tập xa quê là một lựa chọn đầy bản lĩnh, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ Tết quê hương vẫn luôn là thử thách lớn đối với bất kỳ ai. Những trải nghiệm đón Tết nơi xứ người vừa là sự trưởng thành, vừa là hành trang quý giá giúp các du học sinh hiểu thêm về giá trị của gia đình, quê hương và văn hóa dân tộc.
Tết năm nay, dù cách xa ngàn dặm, họ vẫn không quên giữ gìn nét truyền thống, và dù Tết có khác biệt, tình yêu thương và hy vọng về một ngày đoàn viên vẫn luôn là động lực để họ tiến bước.
![[e-Magazine] Tết xa nhà của du học sinh Việt: Nỗi niềm trong con chữ - Hình 8 [e-Magazine] Tet xa nha cua du hoc sinh Viet: Noi niem trong con chu-Hinh-8](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/2560/uploaded/ctvcongdongtre/2025_01_29/e-magazine-tet-xa-nha-cua-du-hoc-sinh-viet-noi-niem-trong-con-chu-hinh-8.jpg)