Thông tin này được Bí thư Thành ủy TP Hải Dương - Đoàn Việt Hùng; Bí thư huyện ủy Ninh Giang đưa ra tại Hội nghị lần thứ 11 BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa 16 vào ngày chiều 5/12.
Các đại biểu cho rằng, tình trạng này đang ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên, các trường rất khó khăn trong việc dạy và học.
|
Sở GD&ĐT Hải Dương. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, trong số 1.191 giáo viên hợp đồng chưa nhận được lương, có nhiều giáo viên bậc mầm non. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh Hải Dương hiện đang thiếu giáo viên mầm non trầm trọng.
Hệ quả của việc 3 tháng chưa trả lương khiến nhiều giáo viên hợp đồng xin nghỉ việc. Thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, hiện có 61 giáo viên đã xin nghỉ việc để chuyển công việc khác.
Vì sao giáo viên hợp đồng bị chậm lương?
Cũng tại Hội nghị này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương - Vũ Văn Lương đã đưa ra 6 nguyên nhân các trường ký hợp đồng với các giáo viên, trong đó, đáng chú ý là tỉnh Hải Dương giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn mức quy định của Bộ GD&ĐT 3.066 giáo viên.
Giải thích thêm Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương – Phạm Văn Tỏ cho biết, quy định hiện nay nêu rõ các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục được tăng trường, tăng lớp nhưng phải cân đối quy mô biên chế tỉnh giao. Có nhiều huyện ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tỉnh giao, nhưng có những huyện ký theo định mức của Bộ Giáo dục&Đào tạo, dẫn đến số giáo viên hợp đồng tăng mạnh.
Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng cho biết, năm học 2017-2018, huyện Gia Lộc tăng 42 lớp, gồm 20 lớp mầm non, 17 lớp tiểu học, 5 lớp THCS. Đối chiếu với định biên tỉnh giao toàn huyện thiếu 71 giáo viên.
|
Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hải Dương - Nguyễn Hồng Sơn. |
"Để đảm bảo công tác dạy và học, các trường buộc phải ký hợp đồng với giáo viên”, ông Hưởng nói và cho biết nếu ngân sách không bố trí cho số giáo viên hợp đồng thì mỗi năm huyện thiếu khoảng 4,5 tỷ đồng trả lương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương – Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hải Dương đã xét tuyển, thi tuyển công chức các cấp học từ mầm non đến THPT là gần 10.000 người. Hiện nay có 4.056 giáo viên hợp đồng. Trong định mức của ngành theo liên bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, tỉnh Hải Dương chưa áp dụng định mức này do có lý do.
Tiền để trả lương đã bố trí đầy đủ nhưng... vướng
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương - Vũ Văn Sơn: “Chủ trương của tỉnh Hải Dương là giao cho ngành giáo dục phải tổng rà soát thừa bao nhiêu tiết học chưa có giáo viên dạy trên cơ sở định mức biên chế tỉnh giao để bố trí cấp tiền cho các trường thuê giáo viên dạy. Ngành giáo dục phải tính toán đưa biên chế từ trường thừa sang trường thiếu”.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương – Vũ Văn Lương cũng cho rằng: “Quan điểm của ngành giáo dục đối với giáo viên làm việc đúng vị trí việc làm phải được trả lương. Thời gian tới, ngành sẽ rà soát lại từng vị trí ở các trường, nếu trường nào hợp đồng giáo viên không phù hợp với vị trí việc làm sẽ xử lý nghiêm. Giáo viên không ký hợp đồng sẽ không đủ tư cách đứng lớp”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương – Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Với 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay chưa nhận được lương, tiền để trả lương đã bố trí đầy đủ rồi nhưng vướng do có nhiều lý do. Chủ trương của tỉnh là có giảng dạy thì có chi trả nhưng phải rà soát xem xét lại một số trường lợi dụng việc ký hợp đồng vượt biên chế".
Trong khi tỉnh Hải Dương đã tìm hướng giải quyết vấn đề trên, gần 1.200 giáo viên hợp đồng vẫn chưa được nhận lương. Nhiều giáo viên đã chán nản nghỉ việc, số khác đang bám trụ với hi vọng tỉnh Hải Dương sớm có biện pháp.
Hải Ninh