Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo say mê kể về những ngày tháng ở Báo Thanh Niên, khuôn mặt ánh lên vẻ rạng ngời, mắt lấp lánh, bàn tay mặc nhiên đặt lên ngực khi nói về cảm xúc mỗi sáng duyệt bản PDF số Thanh Niên nhật báo.
Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ, sự tử tế luôn là tâm niệm luôn được bà đặt lên hàng đầu trong quá trình làm nghề.
“Đối với Báo Thanh niên của chúng tôi, sự tử tế luôn được nhấn mạnh, không chỉ cá nhân tôi mà còn đối với cả Ban Biên tập và toàn bộ anh em cán bộ, phóng viên. Chính điều này định vị và làm nên thương hiệu, làm nên sự tin cậy của bạn đọc đối với tờ báo”, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên nói.
"CÚ NHẢY" NGOẠN MỤC Ở TUỔI 39
Được biết, bà trưởng thành từ công tác Đoàn, mối duyên nào đã khiến bà rẽ sang nghề báo? Công tác Đoàn Đội có trở ngại hay thuận lợi gì đối với nghề báo hay không?
- Năm 2009, tôi đang là Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn. Đồng thời, tôi cũng chịu trách nhiệm phần việc giúp Ban Bí thư Trung ương Đoàn quản lý khối báo chí, trong đó có những tờ báo mạnh như Thanh Niên, Tiền Phong, Thiếu niên Nhi đồng, Thời Trang trẻ… Công việc này giúp tôi nắm vững những nghiệp vụ báo chí cần thiết.
Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên tại Hội Báo toàn quốc 2022.
Báo Thanh Niên có trụ sở chính ở TP Hồ Chí Minh và toà soạn ở Hà Nội. Thời điểm đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cần tăng cường sự quản lý tại Báo Thanh Niên và gợi ý tôi về làm lãnh đạo tại đây. Vốn sẵn tâm lý không ngại khó và công việc mới, tôi nhận thấy đây là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm. Dù có khó khăn thế nào thì vị trí này cũng là cơ hội để tôi khám phá thêm khả năng của mình, cống hiến nhiều điều tốt hơn trong lĩnh vực mới. Cho đến thời điểm này, sự lựa chọn đó làm tôi rất hài lòng và hạnh phúc.
Thực tế, công tác Đoàn Đội tương hỗ rất nhiều đối với công tác báo chí. Việc tiếp xúc trong môi trường Đoàn Thanh niên ảnh hưởng đến tư duy và mong muốn của tôi khi làm lãnh đạo tại Báo Thanh Niên.
Công tác Đoàn cũng cho tôi cơ hội tiếp xúc với những người trẻ xuất sắc, nhiều lãnh đạo ở các lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương… Điều này giúp ích rất nhiều cho công việc làm báo sau này. Đặc biệt, khi nhận trách nhiệm tại Báo Thanh Niên, ngoài chuyên môn nội dung, việc triển khai các hoạt động xã hội cũng suôn sẻ hơn nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Đoàn viên thanh niên cơ sở trong quá trình tìm kiếm những mảnh đời khó khăn để Báo có thể hỗ trợ. Hoặc nhiều chương trình thiện nguyện xây nhà, xây cầu, cấp học bổng cho các em sinh viên, học sinh ở các địa bàn khó khăn đã được thực hiện ít nhiều trải nghiệm trong thời gian tôi làm công tác Đoàn.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên trong chuyến đi cứu trợ bão lũ đồng bào Sơn La và Hà Giang.
Ở thời điểm bà thay đổi công việc sang nghề báo, bà có từng nghĩ rằng đó là một quyết định mạo hiểm?
- Đến thời điểm hiện tại, tôi đã giữ vị trí Phó Tổng Biên tập đến 13 năm rồi. Tôi chuyển sang Báo Thanh Niên lúc 39 tuổi. Lúc đó, mọi người hay nói, cứ hình dung Phó Tổng Biên tập là một bà rất già nua, cũ kỹ, khó tính…! (Cười)
Khi bắt tay vào công việc, tôi cảm thấy không có gì quá khó khăn, thách thức. Như tôi từng nói, bản thân tôi là người rất mong muốn đổi mới và tôi không ngại thay đổi lĩnh vực công việc mặc dù có nhiều ý kiến nói rằng tôi chưa làm báo bao giờ. Dù chưa từng trực tiếp đi viết báo như phóng viên nhưng việc tổ chức đề tài tôi hoàn toàn có thể đảm nhiệm được, nhờ kinh nghiệm quản lý khối báo chí khi còn công tác tại Trung ương Đoàn.
TÔI KHÔNG NGHĨ MÌNH LÀ "NỮ TƯỚNG" GÌ CẢ!
Người ta hay gọi nữ lãnh đạo báo chí là những “Nữ tướng”, vậy cái khó nhất của các nữ tướng khi điều hành tờ báo là gì?
- Tôi nghĩ chả “nữ tướng” gì đâu! (Cười)
Chúng tôi cũng được gắn trách nhiệm và có trọng trách hoàn thành nhiệm vụ thôi.
Lắm lúc tôi nghĩ, nghề báo vất vả, bài vở hàng ngày, làm online từng phút rất căng thẳng, nhiều khi phải cân bằng như đi trên dây, làm sao để bạn đọc vẫn yêu quý mình mà vẫn không bị đi chệch hướng tôn chỉ mục đích.
Dù là người rất sắt đá và đủ uyển chuyển trong công việc nhưng phụ nữ mà, đôi khi hay bị cảm xúc lấn át, nhiều khi mình chưa đủ mạnh mẽ, quyết liệt. Tôi vẫn nghĩ, đôi khi mình nên quyết liệt và ít cả nể hơn thì công việc có thể sẽ tốt hơn nữa.
Thật ra, theo kinh nghiệm của tôi, “khen công khai, phê bình trực tiếp cá nhân” sẽ là bài học rất tốt để khích lệ anh em làm báo, bởi trong nghề này họ đều là những người rất giỏi giang và cá tính. Tôi luôn tâm niệm điều này, tuy nhiên, làm quản lý có thể đôi lúc tôi vẫn chưa được mềm mại, chưa được hài lòng anh em nhưng thực tâm, lúc nào tôi cũng trân trọng họ. Trong lòng tôi, anh em phóng viên, biên tập viên luôn là vị trí số Một bởi họ là những người quan trọng làm nên tờ Báo Thanh Niên.
(Ảnh: Trần Hải)
13 năm giữ vị trí lãnh đạo Báo Thanh Niên, theo bà, đâu là phẩm chất quan trọng nhất đối với một nữ lãnh đạo báo chí?
- Tôi vẫn thường hay nói với các chị em lãnh đạo báo chí, chị em mình là phái yếu, sự nhân văn trong lãnh đạo, chỉ đạo có thể mang nhiều cảm xúc hơn. Tôi nghĩ, điều này có lợi cho làm báo. Bởi nhiều khi, tôi đặt mình vào thân phận của những nhân vật trong bài báo, nếu đó là mình hoặc người nhà mình, ở trong bối cảnh đó bị đưa lên báo như vậy thì tâm trạng của họ sẽ như thế nào? Cho nên, tôi nghĩ rằng, nữ nhà báo nói chung và nữ lãnh đạo báo chí nói riêng, sự nhân văn, nhân hậu và ấm áp đối với việc tổ chức bài vở cũng như lựa chọn tuyến bài nhân vật được thể hiện rõ nét hơn.
Tôi luôn tâm niệm rằng, phẩm chất quan trọng đối với nhà báo nào cũng vậy, đó là sự tử tế. Sự tử tế đến từ việc lựa chọn đề tài, thể hiện câu chữ trong tác phẩm và cả cách xử lý câu chuyện báo chí như thế nào phù hợp. Đối với Báo Thanh niên của chúng tôi, sự tử tế luôn được nhấn mạnh, không chỉ cá nhân tôi mà còn đối với cả Ban Biên tập và toàn bộ anh em cán bộ, phóng viên. Chính điều này định vị và làm nên thương hiệu, làm nên sự tin cậy của bạn đọc đối với tờ báo.
Điều gì khiến bà tự hào nhất trong hành trình gắn bó với nghề báo?
- Tôi không phải là người xuất thân từ làm báo chuyên nghiệp, nên khi về đây, tôi từng nói với anh em rằng, mình không thể viết hay như họ được nhưng tôi sẽ tạo ra một môi trường làm báo lành mạnh, có động lực và công bằng. Đó là mấu chốt để tất cả cộng sự của tôi yêu quý, sẵn sàng cống hiến vì tờ Báo Thanh Niên.
(Ảnh: Trần Hải)
Thứ nữa, việc tạo dựng thương hiệu Báo Thanh Niên trong mắt các cơ quan, Bộ, ngành, cơ quan Quản lý báo chí luôn giữ được uy tín, để anh em đi đâu cũng có thể tự hào rằng, mình là người Thanh Niên.
Việc của tôi là phải tìm được những nhân sự giỏi cho Thanh Niên ở tất cả mọi lĩnh vực. Tôi quan điểm, đã là phóng viên Thanh Niên thì phải là phóng viên dẫn đầu. Tìm được những người giỏi và khích lệ họ cống hiến cho Thanh Niên cũng là một trong những thành công của tôi.
CHUYỆN "CHUYỂN ĐỔI SỐ" Ở BÁO THANH NIÊN
Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số báo chí được xem là xu hướng tất yếu, theo quan điểm của bà, làm thế nào để báo chí có thể cạnh tranh được với mạng xã hội, đặc biệt là đối với ấn phẩm in?
- Tôi cho rằng, báo chí có 4 trụ cột quan trọng: Nội dung, thương hiệu, bạn đọc và kinh tế báo chí. 4 trụ cột này sẽ làm nên sự vững chắc của một tờ báo. Báo Thanh Niên chúng tôi vẫn xác định rõ, làm báo là phụng sự bạn đọc, nội dung là quan trọng nhất.
Để cạnh tranh với mạng xã hội, độ xác tín thông tin chính là điều quan trọng nhất để giữ chân bạn đọc báo chí. Dù mạng xã hội có nói gì đi nữa nhưng Báo Thanh Niên đã nói là chính xác, độ xác tín thông tin làm nên thương hiệu và định vị thương hiệu Báo Thanh Niên trong lòng bạn đọc.
Thế còn về câu chuyện chuyển đổi số báo chí, chúng ta đã nói rất nhiều. Rõ ràng mạng xã hội đã làm thay đổi toàn bộ quy trình làm báo. Trước đây, người làm báo đóng vai trò cung cấp thông tin cho bạn đọc. Hiện tại, bạn đọc là một kênh rất quan trọng để cung cấp thông tin cho báo chí. Chúng ta là người kiểm chứng, xử lý và biến những những thông tin này thành có ích cho xã hội.
Chuyển đổi số ở Báo Thanh Niên tập trung vào các nội dung cốt lõi sau. Thứ nhất, về mặt công nghệ, Báo Thanh Niên sẽ đầu tư CMS, toà soạn điện tử, kết nối phương tiện điện tử… Với tất cả những anh em có nhu cầu đổi mới thiết bị công nghệ phục vụ cho tác nghiệp, Báo Thanh Niên có cơ chế hỗ trợ, có thể cho vay tiền để nâng cấp thiết bị tác nghiệp và trả dần hàng tháng. Thứ hai, chuyển đổi số còn tập trung vào hệ thống dữ liệu, số hoá toàn bộ dữ liệu của Báo Thanh Niên, chúng tôi đang thực hiện để tạo thành big data tổng thể. Bởi hiện tại Thanh Niên có rất nhiều kênh: Báo in, Tạp chí thời trang, Kênh truyền hình, Kênh Youtube, Kênh Tiktok… đều phát triển và đang tạo được nguồn thu cho Thanh Niên. Thứ ba, về mặt đào tạo nhân lực, trong đề án Vị trí việc làm, Thanh Niên có đề xuất thành lập Trung tâm Truyền thông và Số hoá, đây là điều cốt lõi để chuyển đổi số trong vấn đề nhân lực. Với nội lực và quyết tâm của người Thanh Niên, tôi tin rằng chuyển đổi số báo chí ở Thanh Niên sẽ thành công.
"Trong lòng tôi, anh em phóng viên, biên tập viên luôn là vị trí số Một bởi họ là những người quan trọng làm nên Báo Thanh Niên” - Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.
"KHI CÁC BẠN ĐỦ ƯU TÚ VÀ ĐAM MÊ THÌ NGHỀ SẼ KHÔNG PHỤ CÁC BẠN"
Bà có lời khuyên gì cho các nhà báo trẻ và các sinh viên báo chí nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?
- Báo chí thực sự là nghề rất thú vị! Nó làm cho mình luôn luôn phải nỗ lực đổi mới hàng ngày. Tôi cảm thấy rất yêu mến và cảm phục những bạn lựa chọn công việ này. Tuy vậy, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều bạn không thành công. Trước những áp lực, khó khăn, tôi chỉ có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ rằng: Hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Tức là bản thân các bạn phải nỗ lực, không ngừng học hỏi, dấn thân và đặc biệt phải thận trọng với từng thân phận con người, từng câu chữ của mình. Khi các bạn đủ ưu tú và đam mê thì nghề sẽ không phụ các bạn.
Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên, nhà báo phải làm thế nào để không sa đà vào những cám dỗ gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tờ báo?
- Tôi nghĩ, trách nhiệm chính phải thuộc về tờ báo. Tức là các tờ báo phải tạo ra môi trường làm việc tử tế, công bằng, trung thực và khách quan. Bên cạnh đó, tờ báo cũng phải đảm bảo thu nhập tốt và xứng đáng với đóng góp của nhân sự, để họ không bị vướng vào câu chuyện cơm áo gạo tiền một các xấu xí.
Mặt khác, cá nhân mỗi người cũng phải có bản lĩnh và cân nhắc những mối quan hệ lành mạnh. Đồng thời, họ phải có trách nhiệm cân đo đong đếm được gì và mất gì giữa những sự lựa chọn.
ĐAM MÊ KHÔNG TUỔI VÀ NHỮNG DẤU "TRỪ" HẠNH PHÚC
Nghi thức đầu tiên giúp bà bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng là gì?
- Gọi là nghi thức thì hơi quá! (Cười)
13 năm qua, ngày nào cũng như vậy, việc đầu tiên cũng là niềm vui mỗi buổi sáng của tôi mỗi khi thức dậy là xem bản PDF tờ báo Thanh Niên số ra ngày hôm đó. Mỗi ngày đều mới mẻ, háo hức được mở đứa con tinh thần của cả tập thể nên lúc nào tôi cũng trong tâm trạng đón chờ sản phẩm như vậy. Thói quen này mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, nhiều khi tôi cứ tự trò chuyện với chính mình: “Tờ báo của chúng tôi hôm nay hay quá, những vấn đề bạn đọc quan tâm, anh em dũng cảm đeo bám nhiều ngày để ra được sản phẩm chắc chắn sẽ khiến độc giả hài lòng…”
Sau đó, tôi sẽ dành thời gian chăm sóc hai em mèo béo, thảnh thơi ngắm nhìn chúng ăn sáng, đùa nghịch trước giờ đi làm.
Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên sống chậm với những đam mê không tuổi.
Trải qua 3 năm đại dịch, người ta nói nhiều hơn về “sống chậm”, bà nghĩ gì về điều này? Bà thường làm gì để sống chậm lại giữa công việc, các mối quan hệ và thành phố hối hả này?
- Đam mê của tôi là lũ mèo lắm lông. Chỉ cần nhìn chúng chơi đùa là đã giúp tôi giảm stress rất nhiều.
Tôi cũng có nhiều thú vui khác độ tuổi lắm! (Cười)
Hiện tại tôi vẫn đang tiếp tục học đàn piano, học đàn guita để tự đệm hát, rồi tôi đạp xe hàng ngày… đó là những cách tôi sống chậm và cân bằng, đảm bảo năng lượng làm việc.
Nếu được quay trở lại 10 năm trước, điều gì bà muốn thay đổi nhất?
- Đến giờ, đôi lúc tôi vẫn hay thắc mắc, tại sao trẻ mình không học ngoại ngữ thật giỏi?! Bởi sau này, khi có cơ hội đi ngoại giao, dự hội thảo nhiều, các kho dữ liệu về báo chí nước ngoài rất lớn, mình không có ngoại ngữ là mình hạn chế cách tìm ra hướng đi để đổi mới theo xu thế báo chí.
Bây giờ, tôi vẫn đang nung nấu ý định vẫn sẽ đi học tiếng Anh và chắc chắn tôi sẽ sắp xếp thời gian để đi học! (Cười)
Ba từ để nói về bản thân bà là gì, thưa bà?
- Tự tin – Bởi tôi từng làm rất nhiều công việc khó nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy ngại hay có ý định dừng lại cả.
Thay đổi – Tôi vẫn rất muốn thay đổi, lúc nào cũng muốn thay đổi, thay đổi cả bản thân trong suy nghĩ, hành động.
Thứ ba là Tử tế. Tôi nghĩ mình là người tử tế. Tôi có thể khẳng định, mình chưa làm một điều gì phải hổ thẹn với công việc làm báo cũng như với người thân hay bạn bè của mình.
Một câu hỏi hơi giả tưởng, nếu một ngày chỉ một mình bà phải lên tàu vũ trụ đến hành tinh khác và chỉ được mang theo một cuốn sách, bà sẽ mang theo gì?
- Chắc tôi sẽ mang theo sách ngôn tình! (Cười)
Thà cô đơn lộng lẫy, cô đơn trong cảm xúc tình yêu có lẽ sẽ dễ chịu hơn.
Đối với Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, hạnh phúc là những dấu "trừ".
Công thức hạnh phúc của bà là gì?
- Tôi nghĩ, hạnh phúc chẳng có công thức nào đâu!
Mỗi người có cảm nhận về hạnh phúc của riêng mình. Mỗi người sẽ đón nhận những cảm xúc vui, buồn, thăng trầm theo những cách khác nhau. Nhiều người cho rằng, hạnh phúc là phải lấy thêm cái này, cái kia vào nhưng với tôi, hạnh phúc là nhiều dấu trừ, trừ đi một chút tham lam, ích kỷ, trừ đi một chút tham vọng của bản thân, trừ đi một chút hẹp hòi đối với mọi người… khi đấy mình sẽ hạnh phúc.
Xin cảm ơn Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo. Chúc bà và Báo Thanh Niên luôn thành công!
Thực hiện: Cẩm Linh