Những vụ tàu hỏa trật bánh khiến hành khách... thót tim

Google News

(Kiến Thức) - Xảy ra những vụ tàu hỏa trật đường ray khiến hành khách hú vía và hoang mang về độ an toàn của giao thông đường sắt.

Khoảng 18h40 ngày 19/2, tàu SE15 khởi hành từ Hà Nội vào TP.HCM đã gặp sự cố tại toa bưu vụ chở máy phát điện. 2 trục bánh ở toa này đã bị trật ra khỏi đường ray sau khi tàu vừa rời ga Nha Trang được 25 phút.
 
Địa điểm tàu SE15 bị trật 2 trục bánh khỏi đường ray là đoạn qua địa phận huyện Diên Khánh, cách ga Nha Trang 10km.

Nguyên nhân ban đầu xác định là do tàu SE15 (tàu tăng cường) kéo 11 toa với hàng trăm hành khách từ Hà Nội đi TP HCM. Đến gần 19h ngày 19/2, khi tàu này rời ga Nha Trang (Khánh Hòa) được hơn 10 km theo hướng Bắc-Nam, thì đột nhiên toa bưu vụ chở máy phát điện bị trật hai trục bánh ra khỏi đường ray gây chấn động mạnh cả đoàn tàu, làm hàng trăm hành khách một phen thót tim, hoảng loạn.

 Hiện trường vụ trật bánh tàu SE15 tối ngày 19/2

Rất may là lái tàu kịp thời thông báo về ga Nha Trang cho dừng các chuyến tàu, tránh va chạm đáng tiếc. Đến 21h ngày 19/2, tất cả các toa cùng hành khách trên tàu SE15 mới được đưa về ga Nha Trang an toàn.

Theo lịch chạy tàu của ga Nha Trang, từ 19 - 23h ngày 19/2, có 8 chuyến tàu khách Bắc-Nam đến ga này nhưng tất cả đều bị ngưng trệ.

Một nhân viên đường sắt cho hay, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Nguyên đán, đường sắt Việt Nam đã phải tăng tần suất chạy tàu nên phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng đường ray.

Trước đó, nhiều vụ tai nạn tàu hỏa cũng đã xảy ra khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của giao thông đường sắt.

Ngày 7/12/2012, đoàn tàu NA1 đã bị trật bánh khi đi đến đoạn đường sắt giao nhau với đường quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Vụ việc khiến hàng trăm hành khách trên tàu được phen thót tim.

Lúc này, đoàn tàu NA1 đang chạy hướng (Vinh - Hà Nội), đến km 153 + 520 (đoạn cắt ngang QL1A, phía nam cầu Đò Lèn, thuộc xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) thì bị trật bánh khỏi đường ray. 

Hậu quả là một số toa tàu đã bị nghiêng sang bên trái. Hàng trăm hành khách có mặt trên tàu vô cùng hoảng sợ. Rất may, tai nạn đã không làm ai bị thương. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng, cán bộ ngành đường sắt và nhà tàu đã có mặt tại hiện trường, thực hiện công tác cứu hộ. 

Được biết, tại khu vực xảy ra sự cố, ngành đường sắt đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp đường ray. Có thể đường sắt ở khu vực trên chất lượng chưa đảm bảo là nguyên nhân xảy ra sự cố tàu trật bánh. 
 
Ngày 13/2/2012 cũng xảy ra sự cố trật bánh tàu SH1 tại cung đường sắt khu Gian (đoạn Sa Huỳnh-Tam Quan, giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) khi tàu này va vào xe goòng, khiến bánh tàu bị trật khỏi đường ray.

Tàu SH1 xuất phát từ Huế đi Sài Gòn và sự cố trật bánh tàu làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc-Nam suốt nhiều giờ liền.

Được biết, vào thời điểm xảy ra tai nạn, đoạn đường sắt tại khu Gian đang được sửa chữa. Công nhân đã vô ý để xe goòng nằm sát mép đường tàu khiến đầu máy va vào.

Xí nghiệp vận tải đường sắt Nghĩa Bình đã phải điều động xe cứu hộ từ ga Diêu Trì (cách hiện trường 100 km) ra để đưa chiếc đầu máy trật bánh trở lại vị trí cũ.

Ngày 7/10/2011 tại địa bàn xã Quỳnh Hoa huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng khiến đường sắt Thống nhất bị tê liệt hoàn toàn.

Đang hành trình theo hướng Nam – Bắc , tàu thống nhất số hiệu SE6 vừa thông qua ga Cầu Giát hơn 2 km thì bất ngờ trượt khỏi đường ray tại km 258 + 600. Hậu quả 7 toa đầu áp sát đầu máy dồn lại một cục nghiêng khoảng 30 độ ra khỏi đường sắt kéo theo gần 200 mét đường ray gồm tà vẹt cùng phụ kiện nối giữ bay ra ngoài.

Sau tai nạn, 4 toa tàu khách bị hư hỏng nặng cả giảm xóc và các ổ bi, 3 toa khác bị hư hỏng nhẹ, may mắn không có ai bị thương.. Ngành đường sắt đã huy động hàng trăm công nhân của hai công ty TNHHMTV quản lý đường sắt Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh với xe cẩu chuyên dụng tới hiện trường để khắc phục sự cố. Toàn bộ những hành khách trên đoàn tàu SE6 đã được chuyển tải tiếp bằng ôtô. Do sự cố này, các đoàn tàu qua khu đoạn này đều phải tăng bo chuyển tải bằng ô tô đến ga tiếp theo.

Nguyên nhân tai nạn được xác định là do sự cố gãy ray tại đường ngang dân sinh. Tại vị trí đường ngang có một thanh ray bị gãy và “bay” hẳn gần một mét khiến gờ bánh tàu trật khỏi đường ray. 

Được biết tại nơi bị tai nạn là đường ngang dân sinh không có tấm bê tông lát mà chỉ có đất và đá vùi lấp hơn nửa đế ray dẫn đến han ghỉ lâu ngày là nguyên nhân chính dẫn đến gãy ray.

Ngày 10/4/2010, cũng xảy ra vụ lật tàu do lái xe cố tình cho xe vượt qua đường sắt khi đã có tín hiệu của tàu.

Hôm đó, chuyến tàu SE5 vừa xuất phát từ ga Hà Nội được khoảng 40 phút đến km 35+600 thuộc đoạn đường sắt Phú Xuyên- Đồng Văn đã đâm phải 1 chiếc xe tải chở bê tông.

Vụ tai nạn khiến đầu máy tàu trượt ra khỏi đường ray và đè lên chiếc ô tô. Lái xe tải bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu. Về việc xử lý vụ tai nạn để nhanh chóng giải phóng ách tắc cho giao thông đường sắt tại khu vực này.
Thuần Lương (T.H)