Quảng Trị: Tiếng kêu cứu dưới đường dây 500kV

Google News

(Kiến Thức) - Đó là 12 hộ dân kẹt cứng giữa hai đường điện cao thế 500kV Bắc - Nam thuộc khu 2, phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Kể từ khi xây dựng đường điện cao thế 500kV bắc qua đầu 12 hộ dân phường 4 thì ngay lập tức cuộc sống của họ gần như bị đảo đảo lộn. Trời mưa, từ người cho đến gia súc bị điện giật, thiết bị điện tử bị cháy, sức khoẻ người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. do ảnh hưởng của điện trường, người thì đau ốm dặt dẹo, người thì phát bệnh tâm thần, người thì đau tróc vảy đầu đến rơi hết tóc. 
Đặc biệt hơn, số người bị bệnh tâm thần cứ mỗi ngày một tăng lên. Trước tình cảnh đó, 12 hộ dân khu 2 kêu gào chính quyền khắp nơi. đáp lại là thái độ bàng quang, coi thường mạng sống người dân khiến cho 12 gia đình phải chịu cảnh sống không bằng chết.
12 hộ dân đang bị mắc kẹt giữa 2 đường điện cao thế 500kV. 
"Trời mưa không dám ra ngoài"
Chúng tôi có mặt ở khu 2, phường 4 giữa lúc cơn bão số 10 vừa càn quét qua. Những hàng cây từ lớn chí bé bị gió đánh đến trơ cành trụi lá đứng trơ trơ dọc ven con đường nhỏ dẫn lên một quả đồi. Cuối con đường hắt hiu dưới chân đồi đó là thấp thoáng 12 ngôi nhà của những hộ dân đang dần nổi tiếng trên mặt báo vì phải vật lộn với tử thần. Phía trên mỗi ngôi nhà là hai hàng dây điện cao thế 500kV chạy song song với nhau đang phát tiếng kêu vò vè như bầy muỗi mắt.
Khi chúng tôi xuất hiện, ông Đào Văn Ngát mệt mỏi đi ra từ ngôi nhà cấp 4, tiêu điều dưới chân đồi. đôi mắt ông tối sầm, quặp xuống khi kể về sự khốn khổ đeo bám trên đầu người dân suốt hơn chục năm nay: "Hễ trời mưa là chúng tôi không dám đặt chân ra khỏi nhà vì sợ điện giật. Trời mưa, điện từ hai đường dây 500kV phóng xuống mái nhà, sân gạch, chuồng trâu... nếu đụng vào mái tôn thì sẽ bị giật tê tê, lấy bút thử điện châm vào mái tôn thì bút phát sáng, chúng tôi đi ra ngoài trời mưa nếu không có ủng còn bị điện giật". 
 Hàng chục người dân tập trung phản ánh sự việc với PV.
Nói rồi, ánh mắt của ông bỗng sáng bừng lên rồi van lơn: "Dân chúng tôi cầu xin chính quyền cứu giúp nếu không thì sẽ chết dần chết mòn dưới đường điện này mất thôi! Chúng tôi xin các chú kêu giúp cho dân với. Từ mấy năm nay, nhiều đoàn khảo sát về kiểm tra, nhưng họ cứ ra đi mà chả thấy có ai cứu chúng tôi, giờ các chú về chúng tôi lại kêu nữa, chỉ mong tiếng kêu của kẻ cùng đường sẽ thấu được bề trên mà ra tay cứu giúp".
Chứng kiến cảnh này, chúng tôi không dám đưa ánh nhìn vào đôi mắt người đàn ông đã ngoài ngũ tuần đang rưng rưng cầu khẩn. Lặng lẽ buông tiếng thở dài, bặm môi ngước nhìn lên đôi đường điện đang lè vè như lưỡi hái tử thần chực nuốt mạng dân, chúng tôi lẳng lặng đưa bước chân về phía đỉnh đồi, hàng chục người dân nối gót đi theo. Từ cao nhìn xuống, 12 hộ dân nhỏ nhoi, hiu hắt thu cả vào tầm mắt. 
Một cụ bà sống ở đây nắm lấy tay chúng tôi mà hỏi: "Liệu có giải quyết cho chúng tôi được đến nơi an toàn không chú?", anh bạn đồng nghiệp nhanh nhảu: "Dạ chúng cháu chỉ có chức năng phản ánh thông tin chứ không có chức năng giải quyết việc này ạ". Nghe câu trả lời, vẻ mặt cụ bà ngơ ngẩn, chưng hửng, từ đó không nói thêm một câu nào nữa.
 Ngày càng có nhiều người bị bệnh tâm thần dưới đường dây điện (con trai ông Đào Văn Cường bị phát bệnh tâm thần vài năm nay).
An toàn?!
12 hộ dân nghèo khổ đang sống dở chết dở dưới gầm đôi đường điện cao thế. Sức khoẻ người dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi từ trường điện, Trời mưa, điện phóng xuống mái tôn giật người và gia súc, các thiết bị điện tử bị cháy, sóng truyền hình lúc tắc lúc tịt, tiếng ồn từ đường điện gây khó chịu vào ngày mưa... Vậy mà, phía các cơ quan chức năng khi đến đây kiểm tra vẫn khẳng định: “an toàn”. 
Cả chục năm nay, họ để mặc kệ người dân dù sống hay chết, cứ như thể lời khẩn cầu của dân là vô nghĩa. Có người từng cay đắng nói về sự tắc trách này của các cấp liên quan rằng, chưa khi nào mà chính quyền coi thường mạng dân đến thế, chính quyền không xứng đáng làm công bộc của dân.
Ông Đào Văn Ngát bức xúc vì phải sống nguy hiểm dưới đường điện. 
Ông Ngát cho biết: "Nhiều đoàn cán bộ đến đây khảo sát, sau đó bảo là chúng tôi vẫn an toàn, vì năm 1994 khi xây dựng đường dây 500kV thứ nhất họ bảo chúng tôi nằm trong khu vực an toàn, không ảnh hưởng bời dòng điện. Năm 2004 họ xây tiếp một đường dây 500kV nữa rồi sau đó cũng phán là chúng tôi vẫn an toàn. Nhưng mà tình hình thực tế thì hoàn toàn ngược lại, như các chú thấy đó. 
Chúng tôi không còn chịu nổi nên mới đi kêu cứu khắp nơi, cứ cơ quan này đổ sang qua quan kia, rồi còn bảo chúng tôi phải vào tận Đà Nẵng mà kêu với cái công ty điện lực nào đó. Khổ nỗi là chúng tôi có biết mấy công ty, mấy ổng lớn đó là ai đâu, cũng không có đủ tiền mà vua vé xe nữa nói gì đến vào Nam ra Bắc như mấy ông cán bộ xui".
Bà Lê Thị Anh Đào (Chủ tịch UBND phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) 
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì toàn bộ 12 hộ dân sống dưới đường điện cao thế không có ruộng, đồi. Để có cái ăn hằng ngày, họ phải chia nhau đi nhặt sắt vụn bán. Cách đây vài năm, thanh niên trai tráng thì vào rừng cưa bom về bán sắt vụn, lấy thuốc nổ xuống sông bắt cá. Những người già cả, sức khoẻ yếu mềm thì ra đi đánh bắt cá ở sông, suối cách đó gần 10km. Cá, tôm bắt được họ đem ra chợ bán lấy tiền đong gạo. 
Những hôm mưa lũ không đi đánh cá được, không có tiền đong gạo thì ra quán tạp hóa mua chịu. Nắng lên lại đánh cá lấy tiền trả nợ. Vì chỉ có một mảnh đất dung thân nên 12 hộ dân này không biết đi đâu, về đâu. Quá cực, có người nghĩ ra cách đan một chiếc thuyền, bỏ thôn rời xóm đêm ngày lênh đênh sông nước mò cua bắt tép kiếm sống qua ngày.
"Chúng tôi xin chính quyền cấp cho một khu đất gần với sông, hồ để làm nhà ở, tránh thảm nạn sống dưới đường điện cao thế như hiện nay, đồng thời cũng tiện cho việc ra sông đánh cá. Lúc đó, thanh niên làng không phải lên rừng cưa bom, nhặt sắt nữa mà sẽ ổn định làm ăn lâu dài", ông Đào Văn Cường, một hộ dân sống dưới đường điện cao thế bày tỏ.
"Độ dài mà đường điện 500kV đi ngang qua phường dài 2km, từ phía Nam đường 9Đ kéo dài cho đến sông Hiếu, gây ảnh hưởng cho 12 hộ dân ở khu 2. Hầu hết những hộ dân này không có đất sản xuất, họ sống bằng nghề đánh bắt cá ở sông Hiếu nên muốn di tản đến một khu vực thuộc km6 gần sông Hiếu để tiện cho việc làm ăn, sinh sống".
Bà Lê Thị Anh Đào (Chủ tịch UBND phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)
Dương Hòa