Vụ “bốc hơi” gần 340 tỷ tại MSB: Trách nhiệm thuộc về ai?

Google News

Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 338 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB Thanh Xuân đang gây xôn xao dư luận, nhiều độc giả đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Chiều 28/3, liên quan vụ khách hàng bỗng dưng mất 58 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 10/10/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng này có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vu “boc hoi” gan 340 ty tai MSB: Trach nhiem thuoc ve ai?
 Bùi Thị Hoài Anh.
Tin báo trên tố cáo bà Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984; trú tại chung cư 390 Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội), Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền 165 tỷ đồng. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 18/10/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu, việc khách hàng mở tài khoản ở ngân hàng này là có thật, việc chuyển số tiền rất lớn vào tài khoản là có thật và đến nay số tiền này đã bị rút ra chiếm đoạt. Từ sự việc này, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh và cho thấy đây chỉ là một trong số 8 bị hại đã bị giám đốc chi nhánh ngân hàng này chiếm đoạt tài sản bằng cách rút tiền từ tài khoản ra. Với kết quả xác minh như vậy, có căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiến hành điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Vu “boc hoi” gan 340 ty tai MSB: Trach nhiem thuoc ve ai?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hoạt động mở tài khoản, các giao dịch được thực hiện như thế nào. Đặc biệt là làm rõ số tiền hơn 58 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản này như thế nào, ai là người rút hay chuyển số tiền từ tài khoản này đi và số tiền này đang ở đâu?! Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có đối tượng gian dối để chiếm đoạt số tiền này của nạn nhân bằng hình thức giả mạo chữ ký hoặc can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 hoặc Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Với việc xác định những người có liên quan đến sự việc này thì cơ quan điều tra sẽ triệu tập lấy lời khai, xác minh thông tin, thu thập các tài liệu chứng cứ từ hệ thống ngân hàng này để xác định phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, hành vi chiếm đoạt tài sản và việc rút, chuyển số tiền này được thực hiện như thế nào. Xác định dòng đi của đồng tiền để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, đồng thời cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng, việc xác định ai là người bị hại có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Trong trường hợp ngân hàng được xác định là người bị hại, người phạm tội chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì rủi ro sẽ thuộc về ngân hàng. Còn trường hợp xác định khách hàng, người gửi tiền vào ngân hàng là người bị hại, bị cáo phải chấp hành hình phạt tù và không có khả năng hoàn trả tài sản thì rủi ro sẽ thuộc về khách hàng.
Luật sư Cường phân tích, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng thực hiện hành vi gian dối đối với nạn nhân để nạn nhân cung cấp thông tin về tài khoản, mã OTP để chiếm đoạt số tiền có trong tài khoản ngân hàng thì sẽ xử lý đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và người bị hại được xác định là khách hàng. Khi đó đối tượng chiếm đoạt tài sản phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trực tiếp cho khách hàng và ngân hàng được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Còn trường hợp khách hàng đã thực hiện đúng đầy đủ các thủ tục về mở tài khoản, chuyển khoản, không có lỗi trong việc cung cấp thông tin cho các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng này đã tự ý truy cập vào hệ thống của ngân hàng hoặc lợi dụng danh nghĩa là nhân viên của ngân hàng để thực hiện thao tác rút tiền, chuyển tiền bằng các giấy tờ giả thì người bị hại sẽ được xác định là ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm với số tiền đã mất của khách hàng. Ngân hàng có quyền yêu cầu đối tượng đã chiếm đoạt phải trả tiền cho ngân hàng và hoàn trả số tiền này cho khách hàng theo quy định pháp luật.
Theo thông tin hiện nay thì cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và đã khởi tố bị can đối với một đối tượng được xác định là giám đốc chi nhánh ngân hàng này để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc có đồng phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Những vấn đề quan trọng là cần phải xác minh làm rõ phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, làm rõ số tiền này đã được chi tiêu sử dụng như thế nào và xác định trách nhiệm của ngân hàng đối với số tiền này để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Luật sư Cường nhận định về hình phạt, với số tiền chiếm đoạt gần 340.000.000.000 đồng như vậy thì bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này đã được chi tiêu sử dụng như thế nào, cất giấu ở đâu và bị can có những tài sản gì để tiến hành các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại.
"Trong trường hợp bị can đánh bạc trái phép dẫn đến thua lỗ mất số tiền này thì cũng làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép được thực hiện như thế nào, nếu có thì sẽ khởi tố về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc trái phép để xử lý đối với các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp, bị can bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết số tiền này hoặc do bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đã chiếm đoạt tiền của người khác thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ đối tượng nào đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp số tiền chiếm đoạt của người bị hại trong vụ án này không bị lừa đảo mất, không mang vào sử dụng để đánh bạc thì cần làm rõ số tiền này đang ở đâu, có hành vi rửa tiền hoặc có đồng phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả những tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc tội phạm thì đều bị áp dụng các biện pháp để phong tỏa, kê biên, thu giữ để đảm bảo thi hành án. Cơ quan chức năng sẽ xác định 8 người có tài khoản đứng tên tại ngân hàng bị bốc hơi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay người bị hại để xác định địa vị pháp lý khi tham gia tố tụng, đồng thời làm căn cứ giải quyết hậu quả phần dân sự trong vụ án hình sự này.
>>> Xem thêm video: Điều tra vụ cướp ngân hàng Vietinbank giữa trung tâm Đà Nẵng
  
Gia Đạt