Từ thông tin của những người chứng kiến cung cấp (có cả clip), người ta đã được tận mắt thấy cảnh Huy Hoàng “múa hát” một cách khó hiểu mà người chứng kiến lẫn bạn đọc xem clip đều nhận định “người trong clip bị phê thuốc”.
Clip ghi lại hành động mất kiểm soát của Huy Hoàng trên xe và sự hiếu kì của người dân:
[video(53449)]
Sự thực về Huy Hoàng như thế nào đang chờ câu trả lời của cơ quan chức năng trong thời gian tới, nhưng từ “sự cố mới” này người ta có thể giật mình khi nhìn lại những “khoảng tối” trong cuộc sống ngoài sân cỏ của không ít cầu thủ xuất thân từ lò bóng đá Sông Lam Nghệ An, lò đào tạo bóng đá trẻ được xem là số 1 Việt Nam trong hơn chục năm trở lại đây.
Quay ngược lịch sử đội bóng xứ Nghệ, Huy Hoàng không phải là trường hợp đầu tiên có liên quan đến “nghi án” sử dụng chất kích thích, thậm chí có trường hợp đã dính líu đến ma túy.
Ở thập niên 90 thế kỷ trước, người hâm mộ xứ Nghệ không thể quên tiền vệ Phan Thanh Tuấn, ngôi sao sáng giá ở tuyến giữa SLNA và từng được gọi lên đội tuyển quốc gia. Nhưng sau đó Phan Thanh Tuấn đã nhanh chóng xuống dốc và sớm biến mất khỏi đời sống bóng đá xứ Nghệ và thông tin hậu trường “dội ra” là tiền vệ này bị “tàn phá” bởi chất gây nghiện.
|
Vụ việc Huy Hoàng đang gây chú ý của dư luận |
Trong giới cầu thủ ở xứ Nghệ gần chục năm trở lại đây, tiền vệ Hồng Việt chính là nhân vật gây nhiều đình đám nhất. Từng là một trong những tài năng được đánh giá chẳng kém gì Văn Quyến, Quốc Vượng, Hồng Việt luôn là trụ cột ở các đội trẻ SLNA. Giải U17 QG - Cúp báo Bóng đá 2006, anh là Vua phá lưới (7 bàn) và 1 năm sau, anh là đội trưởng của đội U20 Việt Nam giành chức vô địch ĐNA. Chăm chỉ tập luyện, ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người, cái tin Hồng Việt bị bắt vì tàng trữ heroin năm 2008 khiến người hâm mộ cả thành Vinh bị “sốc”.
Sau sự việc ầm ĩ này, Hồng Việt bị “trả về địa phương” để cai nghiện. Sau này, Hồng Việt đã thừa nhận, mình đã không đủ bản lĩnh để chống lại những rủ rê, lôi kéo của những phần tử xấu bên ngoài. “Giá như trước đây, tôi chịu khó luyện tập, đầu tư vào chuyên môn, không để bạn bè xấu lôi kéo thì đâu đến nỗi”, Hồng Việt từng bày tỏ.
Cùng bị bắt với Hồng Việt hồi đó vì liên quan đến tàng trữ ma túy, còn có thủ quân đội U19 SLNA là Lưu Văn Hiền. Trước đó, cầu thủ này đã từng bị dính nghi án “chơi ma túy”, nhưng BHL không tìm được chứng cứ. Sau đó, Lưu Văn Hiền đã có nhiều biểu hiện lạ, đặc biệt là việc vay mượn tiền của đồng đội để chuộc xe ở hiệu cầm đồ, BHL U19 SLNA đã để tâm và phát hiện cầu thủ này đang cầm kim tiêm trong phòng. Trước Hồng Việt và Lưu Văn Hiền, cầu thủ trẻ ở đội U17 Nguyễn Văn Ý cũng bị phát hiện dùng ma túy và đã bị kỷ luật.
Sau liên tiếp những vụ việc liên quan đến chuyện tàng trữ và dùng ma túy, CLB SLNA đã làm nghiêm, tiến hành xét nghiệm hàng loạt cầu thủ bị nghi ngờ. Khá nhiều cầu thủ khi đó đã viện lý do xin về nhà để...lấy vợ nhằm “né” những đợt kiểm tra của CLB.
Thế giới ngầm đáng sợ
Ở Vinh, dù thành phố không sầm uất như Hà Nội hay TP.HCM, nhưng độ chơi của một số cầu thủ thì có lẽ chẳng kém bất cứ nơi đâu. Tin từ giới cầu thủ cho biết họ không lạ chuyện một số sao vốn lắm tiền, có thể bao cả quán, lớn hơn là cả “sàn” để cùng nhau “mở tiệc” trong những tiếng nhạc chát chúa. Trong “bữa tiệc” đó, tất nhiên “chất kích thích”...là những thứ không thể thiếu bởi không có những chất này, thì không thể “bay” được. Sống trong môi trường độc hại đó, các cầu thủ trẻ có “kháng sinh” kém, ngay lập tức bị đầu độc, có thể bị nghiện lúc nào không hay biết. Đã có trường hợp cầu thủ được gọi lên tuyển, nhưng tìm mọi cách để xin về vì trên tuyển… không có thuốc.
Đầu năm 2009, Ban phòng chống doping của đội bóng SLNA bất ngờ tiến hành xét nghiệm và đã phát hiện ba cầu thủ phản ứng dương tính với chất ma túy. Đó là hai ngoại binh Gordon, Kankam gốc Ghana và một cầu thủ trẻ của đội U21. Hai cầu thủ ngoại chỉ mới vừa được ký hợp đồng chơi bóng cho SLNA mùa giải 2009 với giá 20.000 USD mỗi người. Ngay lập tức, CLB đã thanh lý hợp đồng. Riêng cầu thủ trẻ của đội U21 đã bị đi trung tâm cai nghiện ngay sau đó.
Sau mỗi trận thắng, nhiều cầu thủ đã “xả hơi” bằng việc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Trong tay họ, mỗi người có vài chục triệu đồng tiền thường, thậm chí nhiều sao với khoản “lót tay tiền tấn”, thì những cuộc chơi như vậy chẳng bõ bèn gì. Còn khi mùa giải kết thúc, các cầu thủ càng có điều kiện “chơi hết mình” vì không có ai quản lý khi không còn phải tập trung ở đội bóng.
|
Rất nhiều cầu thủ SLNA dính tai tiếng dù được coi như ngôi sao bóng đá nước nhà |
Đằng sau những trận đấu trên sân cỏ, là cả một thế giới ngầm của cầu thủ và “chất kích thích” được là một phần không thể thiếu trong các cuộc vui. Điều này khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho các cầu thủ ở các CLB khi tình trạng “đóng cửa bảo nhau” hay “ném chuột sợ vỡ bình” vẫn phổ biến khiến “những con sâu” càng có điều kiện “tác quái”.
Điều quan trọng nữa là thái độ, cách sống của một bộ phận cầu thủ, đặc biệt không ít người từng là tuyển thủ quốc gia, là ngôi sao trong mắt người hâm mộ, đã khiến họ đánh mất chính mình, sa ngã trước những cám dỗ của những hiểm họa bên ngoài sân cỏ.