Người già nên bổ sung vitamin gì?

Google News

Tuổi già khả năng bài tiết dịch vị giảm, sự thấm vitamin qua màng ruột giảm sút, sự hấp thu và chuyển hóa vitamin bị biến đổi nặng...

- Tuổi già khả năng bài tiết dịch vị giảm, sự thấm vitamin qua màng ruột giảm sút, sự hấp thu và chuyển hóa vitamin bị biến đổi nặng nên người già thường thiếu một số vitamin. Bổ sung đủ lượng vitamin không chỉ ngăn ngừa hiện tượng già trước tuổi, cơ thể suy nhược... mà còn giảm lượng homocystein trong huyết thanh, phòng bệnh tim mạch vành.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vitamin B1: Do thay đổi nhiệt lượng khẩu phần ăn, ăn ít hơn kèm theo có uống rượu nên người già thường thiếu vitamin B1. Trong khi đó nhu cầu vitamin B1 đối với người già là 1,2mg/ngày đối với nam và 1mg ngày đối với nữ. Khi thay đổi khẩu phần ăn cũng không được giảm dưới 0,5mg cho 1.000Kcal. Vitamin B1 giúp chuyển hóa gluxit và dẫn truyền thần kinh, dùng chữa tê phù, viêm đa thần kinh, đau xương khớp.

Vitamin B6: Thành phần B6 trong thực phẩm hiện ít được phân tích nghiên cứu nên nếu tính từ bảng thành phần hóa học thức ăn sẽ không đủ nhu cầu. Lượng B6 trong huyết thanh và huyết tương thường giảm theo tuổi già, do đó rất cần phải bổ sung thường xuyên ở mức 2mg/ngày đối với nam và 1,6 mg/ngày đối với nữ. Vitamin B6 tham gia nhiều vào quá trình chuyển hóa ở hệ thần kinh...

Vitamin B12: Vitamin B12 có thể làm giảm hàm lượng homocysteine trong cơ thể, qua đó giúp phòng chống bệnh mất trí nhớ ở người già. Thiếu vitamin B12 sẽ dẫn tới các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như hay cáu giận, tình cảm không ổn định, thờ ơ với sự việc, mất ngủ, đa nghi, trầm cảm, giảm trí lực thậm trí là mất trí. Bổ sung 2mcrg/ngày, đủ cho người già không mắc bệnh viêm dạ dày teo và nếu mắc bệnh viêm dạ dày teo phải tăng lượng vitamin B12.

Vitamin D: Có rất ít thực phẩm chứa vitamin D như hải sản và sữa, đồng thời người già ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sự hấp thu vitamin D trong ruột giảm nên có khoảng 3/4 người già thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D không chỉ gây gẫy xương mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ bắp, hệ thống miễn dịch, hệ thống tim mạch... Vì vậy, người già cần lượng vitamin D lớn hơn người trẻ và ở mức là: 400 IU/Ngày.

Vitamin A: Không phổ biến trong nhiều loại thực phẩm, nhưng lượng dự trữ thừa trong ngày được tích lũy trong gan. Beta caroten là tiền chất vitamin A (khi ăn vào cơ thể, nó được chuyển thành vitamin A), đặc biệt các betacaroten có khả năng khử các gốc tự do (một chất gây hại cho cơ thể) tốt hơn vitamin A; nó còn giúp trẻ hóa làn da, giảm tử vong do bệnh tim mạch. Còn vitamin A thì giúp quá trình tạo da, niêm mạc và tăng sức đề kháng chống nhiễm khuẩn, rất cần cho người bị khô mắt, rụng tóc... nhất là phòng bệnh tim mạch và ung thư.

Vitamin E, C: Là chất chống oxy hóa mạnh, làm chậm quá trình lão hóa, phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm sự mệt mỏi, suy nhược... Tốt nhất nên bổ sung vitamin E 10mg/ngày cho nam và 8mg/ngày cho nữ...

Cách bổ sung tốt nhất với những người cao tuổi còn có khả năng ăn uống là dùng nhiều thực phẩm giàu vitamin mà cơ thể đang thiếu hụt. Thí dụ, vitamin E có nhiều trong mầm giá đỗ, hành, rau xà lách, trứng, dầu thực vật... Vitamin A có nhiều ở mỡ cá, gan gia súc gia cầm và caroten có nhiều trong gấc, cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ, xoài muỗm... Vitamin B1 có nhiều trong men bia, thịt (gà, bò, lợn...), đậu đỗ, lớp ngoài của hạt gạo (cám). Còn vitamin C thì có nhiều trong rau quả tươi...

GS.TS Bùi Minh Đức (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
 
Bài đọc nhiều: