Ngày Tết, người lớn thường bận rộn với việc tiếp khách nên đôi khi không chú ý đến những hoạt động của trẻ. Bởi vậy, trẻ bị tai nạn trong dịp tết sẽ cao hơn so với những ngày bình thường. Dưới đây là một số tai nạn trẻ hay mắc phải nhất.
Ngộ độc hóa chất
Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị tai nạn ngộ độc nhất. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa tất cả mọi thứ vào miệng, nhất là những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở khắp nơi trong gia đình.
|
Do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nên trẻ rất dễ bị ngộ độc trong dịp Tết |
Khi trẻ bị ngộ độc hóa chất, phụ huynh cần xác định nhanh các thông tin liên quan đến tình trạng ngộ độc như tuổi và cân nặng của trẻ, trẻ đã nuốt cái gì, lượng nuốt phải, thời điểm nào, nếu có thể hãy giữ lại lọ/hộp chứa độc chất để đem cho bác sĩ xem. Loại bỏ bớt độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách giúp trẻ tự nôn ói. Cho trẻ uống nước lọc hoặc sữa, cởi bỏ quần áo để ngăn chất độc thấm vào cơ thể. Nếu trẻ bị ngưng tim ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và xoa tim ngoài lồng ngực để giúp bệnh nhân hồi tỉnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
Người lớn thường móc họng trẻ để gây nôn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì sẽ dẫn đến trầy rách niêm mạc miệng, hầu, họng của trẻ. Ngoài ra, khi nôn trẻ sẽ hít phải chất độc và dễ bị viêm phổi.
Tai nạn té ngã
Trong ngày Tết, hòa cùng không khí vui vẻ của các thành viên trong gia đình, trẻ nhỏ thường có những hành động “quá khích” rất dễ gây tai nạn. Đối với trẻ ở thành phố, tai nạn thường xảy ra với trẻ là ngã cầu thàng, ngã từ trên ghế xuống sàn nhà. Đối với tai nạn này, thì trẻ thường sẽ bị những chấn thương ngoài da, tuy không nghiêm trọng đến tính mạng nhưng cũng khiến cả gia đình ăn Tết mất ngon.
Còn đối với trẻ em ở nông thôn, tai nạn té ngã nếu không can thiệp kịp thời rất có thể sẽ dẫn đến tử vong, ví dụ: tai nạn do trèo cây cao, ngã xuống khu vực có nước sâu …
|
Sự bất cẩn của người lớn là nguyên nhân chính khiến trẻ bị té ngã |
Để đề phòng tai nạn này, không còn cách nào khác là luôn để ý trông chừng giám sát mọi sinh hoạt chơi đùa của trẻ trong những ngày Tết; nên có hàng rào che chắn an toàn, nhất là khu vực cầu thang, lan can, ban công để trẻ không gặp nguy hiểm; nên đội cho trẻ mũ bảo hiểm, ràng địu trẻ cẩn thận khi tham gia giao thông trên đường…
Hóc/dị vật đường thở
Hóc dị vật là tai nạn thường xuyên xảy ra với trẻ, nguyên nhân chính cũng là do sự bất cẩn của phụ huynh. Các loại dị vật trẻ thường mắc phải là: hạt dưa, hạt hướng dương, đôi khi là cả những loại đồ chơi loại nhỏ…
Khi thấy con bị hóc bố mẹ nên bình tĩnh xử lý. Nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi, thì có thể áp dụng thủ thuật Heimlich: đứng sau lưng trẻ, hai tay ôm thắt lưng trẻ, một tay làm thành quả đấm đặt ở vùng thượng vị, một bàn tay chồng lên, ấn mạnh và nhanh: trước - sau, dưới - lên, lặp lại 6- 10lần. Hoặc đặt lòng bàn tay thứ nhất lên vùng thượng vị, bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất, ấn mạnh và nhanh cả bụng dưới và trên, lặp lại 6-10 lần.
|
Khi trẻ hóc dị vật, cần phải bình tĩnh xử lý |
Nếu trẻ chưa đến 2 tuổi thì dùng biện pháp vỗ lưng, ấn ngực. Vỗ lưng bằng cách để trẻ nằm sấp, đầu thấp/cánh tay thả lỏng. Vỗ mạnh lưng giữa hai xương bả vai. Ấn ngực bằng cách lật ngửa trẻ, ấn xương ức dưới nối hai vú.
Để tránh dị vật đường thở cho trẻ mẹ nên cho trẻ bú đúng cách, không ăn, uống thuốc khi đang khóc, cười hoặc đùa giỡn. Nếu trẻ phải uống thuốc, nên cho uống thuốc dạng siro hoặc tán nhuyễn; không cho trẻ chơi những vật dụng nhỏ hay các loại hạt; khi cho trẻ ăn trái cây có hạt, hãy lấy hết hạt ra trước khi cho trẻ ăn.
Tai nạn về mắt
Đây là loại tai nạn không chỉ xảy ra nhiều ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất hay bị. Theo thống kê của bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện mắt Trung ương, tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi. Tỉ lệ tai nạn ở nhà là nhiều nhất với 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hòan cảnh khác.
|
Tai nạn mắt rất nguy hiểm đối với trẻ |
Đồng thời bác sĩ Cương khuyến cáo, nếu xảy ra tai nạn không nên vội vã, làm bừa. Một số nguyên tắc xơ cứu cơ bản cần áp dụng khi bản thân hoặc người nhà bị tai nạn mắt:
- Không nên ấn đè mạnh hay day dịt vết thương ở mắt
- Không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt
- Bị chất lỏng vào mắt gây bỏng nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút
- Không tự tra nhỏ thuốc hay tra thuốc mỡ vào mắt
- Với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề và bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh
- Nếu bị bụi vào mắt có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước, mở mắt to và chớp mắt 4-5 lần để bụi trôi ra.
- Khám mắt ở cơ sở chuyên khoa gần nhất
Tổng hợp