Phải gặp bác sĩ tâm lý vì đi khám thai bị mắng

Google News

Cô ấy kêu đau bụng, tôi bảo đưa đi khám, cô ấy nhất định không chịu. Tôi dắt xe ra là cô ấy co rúm người lại, khóc ầm ĩ.

- Tưởng đưa vợ đến khám thai tại một bệnh viện Phụ sản lớn ở Hà Nội là yên tâm, nào ngờ, vợ anh Trần Trí Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ sau lần khám đó bỗng mắc bệnh... sợ bác sĩ.
[links()]
 
Nằng nặc đòi chồng vào khám cùng
 
Anh Trần Trí Dũng kể: "Vợ tôi vốn là người nhạy cảm, dễ khóc, dễ nổi cáu. Vậy nên, từ khi cô ấy mang bầu, gia đình tôi luôn cố gắng nhẹ nhàng để cô ấy có cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất" - anh Dũng tâm sự.
 
Thế nhưng, sau hai lần đi khám thai ở viện về, cô ấy rất sợ. Đến lần thứ ba đi khám thì... vừa khóc, vừa nằng nặc đòi chồng vào cùng. Thậm chí, vợ tôi hễ cứ nhìn thấy ai mang bầu đi qua là lại nhìn xuống bụng mình và lo sợ.
 
Có lần, cô ấy kêu đau bụng, tôi bảo đưa đi khám, cô ấy nhất định không chịu. Tôi bước chân ra sân dắt xe là cô ấy co rúm người lại, khóc ầm ĩ. Chẳng biết làm thế nào, tôi đành mời anh bạn là bác sĩ tâm lý về tận nhà trị bệnh tâm lý cho vợ.
 
Sau rồi, cô ấy mới kể: Lần nào đi khám, bác sĩ cũng "thọc" dụng cụ siêu âm vào vùng kín của cô ấy. Do chưa quen, cô ấy gạt ra thì liền bị mắng: Cô làm sao vậy, chưa quan hệ bao giờ à? Cứ thế này là mất chồng như bỡn thôi.
 
Khi bác sĩ tiến hành làm lại lần thứ hai, chị Ngân - vợ anh Dũng vẫn không quen, chị lại bất hợp tác, khiến bác sĩ phải gắt lên: Cô đi xuống, để tôi khám cho người khác. Cô có biết thời gian của tôi là vàng, là bạc không?
 
Theo quan sát của phóng viên, để xếp hàng khám thai trong các bệnh viện công, đa số các sản phụ phải đến thật sớm để đăng ký khám và lấy số. Giờ khám bắt đầu từ 8h sáng nhưng từ 6h sáng, phòng khám dịch vụ số 56 Hai Bà Trưng của Bệnh viện Phụ sản TƯ đã đông nghẹt người đến đăng ký, lấy chỗ.
 
f
Các thai phụ phải xếp hàng từ 6h sáng để được khám trong bệnh viện tư. Ảnh: ANTĐ
2 triệu đồng/lần khám thai
 
Nhiều sản phụ vì sợ tình trạng đông đúc ở các bệnh viện công nên đã chọn khám dịch vụ ở bên ngoài. Giá cả của các phòng khám tư thường cao gấp 2 - 3 lần so với bệnh viện. Đặc biệt, một vài phòng khám tư của những bác sĩ danh tiếng có giá lên đến cả triệu đồng/lần khám.
 
Chị Bùi Diễm Hà, Mỗ Lao, Hà Nội hớn hở khoe đã đặt được lịch khám của bác sĩ Nguyễn C. sau 1 tháng đặt lịch: "Bác sĩ này là nổi tiếng hàng đầu Việt Nam về siêu âm đấy. Tôi vất vả lắm mới đặt được lịch siêu âm của bác sĩ, nhưng ai dè, mình bỏ ra nhiều tiền đi khám mà cứ như là khám nhờ, khám chui ấy".
 
Chị Hà kể: Lúc đó, thai của chị 12 tuần tuổi, nếu như ở những chỗ khám thai trước, khi thai đã to như vậy, bác sĩ chỉ siêu âm ngoài bụng thôi, ai ngờ, bác sĩ ở đây lại siêu âm đầu dò (dùng dụng cụ siêu âm đưa vào vùng kín của thai phụ), chị ngạc nhiên hỏi thì bác sĩ gắt lên: "Con điên này, có nằm yên để tao khám không!"
 
Về giá cả, chị Hà cho biết, các phòng khám tư khác có giá 200 - 300 nghìn đồng/lần siêu âm 4D, còn ở đây, một lần siêu âm 4D có giá 500 nghìn đồng. 
 
"Nếu tính cả tiền thăm khám, tiền thuốc, tiền siêu âm, tiền xét nghiệm... thì lần khám đó của tôi ngót 2 triệu đồng".
 
Tôi hỏi, sao đắt vậy, bác sĩ còn bảo: "Tôi đã cố thu tiền đắt thế mà "chúng nó" vẫn cứ ùn ùn kéo đến đây khám đấy!"
 
Chị Nguyễn Diệu Linh (ở 73 Lê Văn Lương, Hà Nội) luôn khám thai tại một phòng khám tư ở Hoàng Cầu. Đây là phòng khám của một bác sĩ trong Bệnh viện Phụ sản TƯ. Khi mang bầu, chị tìm hiểu trên mạng, học qua các lớp tiền sản và được biết, có 3 mốc siêu âm 4D quan trọng: Lúc thai nhi 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.
 
Thế nhưng, khi thai nhi của chị 18 tuần, các nhân viên ở đây nhất định bắt chị phải siêu âm 4D, thay vì siêu âm 2D. Chị nghi ngờ việc các nhân viên này cố tình bắt chị siêu âm 4D vì siêu âm loại này đắt hơn, lại có hại cho thai hơn là siêu âm 2D. Chị liền rút điện thoại hỏi thăm một số người bạn cùng mang bầu, đang theo khám tại các phòng khám tư khác. Trong số những người bạn của chị thì không ai phải siêu âm 4D ở tuần 18 cả. Thế nên, chị quyết định chỉ siêu âm 2D thôi.
 
Cô nhân viên y tế một mực dọa: "Đấy là quyết định của chị nhé, nếu siêu âm 2D mà không nhìn thấy hết dị tật của thai nhi thì chị đừng trách chúng tôi. Đây là tuần quan trọng, chỉ có siêu âm 4D mới nhìn rõ các dị tật của bé thôi. Sang đến tuần sau, có muốn siêu âm 4D thì cũng không nhìn rõ nữa rồi".
 
Mặc dù linh tính mách bảo là mình đang bị vòi tiền, nhưng chị Linh vẫn đành bỏ số tiền gấp đôi (so với siêu âm 2D) vì những lời dọa dẫm của nhân viên y tế.

Bác sĩ Hà Thị Trâm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Siêu âm 2D là những thủ tục không thể bỏ qua, các mẹ có thể siêu âm thường xuyên vì sóng siêu âm rất nhỏ nên an toàn, không ảnh hưởng đến em bé, hơn nữa nó lại cung cấp những thông tin cần thiết.

Tuy nhiên, vì là hình ảnh phẳng, màu đen và trắng nên chỉ cho thấy em bé từ một góc độ và mờ mờ. Với những người không có chuyên môn thì sẽ không thể nhận ra những đặc điểm của em bé, vì thế, cần có thêm siêu âm 4D.

Có 3 mốc quan trọng cần siêu âm 4D là khi thai nhi 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.

Siêu âm 4D hiển thị một chuỗi các hình ảnh, giúp: Xác định tuổi thai; phân tích phát triển bào thai; phát hiện bất thường thai nhi; phát hiện vấn đề về cấu trúc với tử cung, bất thường nhau thai, chảy máu bất thường; phát hiện khối u buồng trứng/u xơ, vị trí nhau thai.
Thu Huyền - Phương Nhi