Sinh non: Mẹ vững tâm lý, con được nhờ

Google News

(Kiến Thức) - Khi biết mình sinh non, đừng để nỗi lo lắng, sợ hãi lấn áp bản năng làm mẹ. Hãy chấp nhận và sẵn sàng cùng con yêu vượt qua những khó khăn ban đầu để em bé phát triển khoẻ mạnh. 

Các dấu hiệu dọa sinh non 

Chị Nguyễn Thị Phương, (29 tuổi, nhà ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, thai 24 tuần) đang nằm tại Khoa Hậu sản E, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM đã có một phen nhớ đời, nếu chậm một chút có lẽ sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Do thai yếu nên bác sĩ khám thai khuyên chị Phương nghỉ làm ở nhà tịnh dưỡng thai nhi.

Ngày 19/2, chị Phương chủ quan xách túi đồ nặng sau đó thấy mệt và ra nước hồng hồng nhưng đến tối mới đi khám. Bác sĩ khám và phát hiện chị đã bị vỡ ối nhưng do thai nhỏ 24 tuần nên đã chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ TPHCM. Sáng ngày 21/2, chị Phương sinh được một bé trai nặng 800g, cháu đã được chuyển vào chăm sóc đặc biệt tại phòng ICU, Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Từ Dũ. PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cho biết, trẻ sinh non như con chị Phương thì trước tiên các bác sĩ nuôi trong lồng ấp để đảm bảo trẻ sẽ sống được, sau đó mới tính tiếp đến các vấn đề khác. Các bác sĩ đã cho chụp hình phổi, tiêm thuốc nở phổi và hỗ trợ thở máy cho trẻ.

PGS.TS.BS Đăng Hà, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược, cơ sở 2, TPHCM cho biết, có những dấu hiệu dọa sinh non ở thai phụ được báo trước như đau trằn bụng, đau thắt lưng, trì nặng bụng, chuột rút, đau quặn bụng có thể kèm tiêu chảy...; tử cung có cơn co (bụng căng cứng): Thường có 4 cơn co trong 20 phút hay 8 cơn co trong 60 phút; ra dịch âm đạo nhày nhờn như mủ chuối lẫn ít máu dợt; vỡ ối: ra nước.

PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM
đang khám cho trẻ sơ sinh. 

Sinh non nên chọn... bệnh viện

Để có thể nhận biết những dấu hiệu dọa sinh non là điều khó khăn cho thai phụ. Vì vậy, khi có một trong các dấu hiệu trên, các bà mẹ nên đến ngay cơ sở y tế sản khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. PGS.TS.BS Đăng Hà cho biết thêm, có những trường hợp phải cho sinh liền, chẳng hạn như thai phụ đã ra nước ối, nguy cơ nhiễm trùng rất cao cho cả mẹ lẫn em bé còn non tháng. Hoặc những trường hợp chắc chắn sẽ tiến triển đến chuyển dạ, cổ tử cung mở trên 2cm và bị xóa mỏng trên 80%. 

Khi màng ối còn nguyên vẹn hoặc trước khi cơn chuyển dạ thật sự tiến triển, các bác sĩ sẽ có các biện pháp để điều trị dọa sinh non như cho thai phụ nằm nghỉ ngơi nhiều giúp cải thiện lượng máu vào tử cung để thai nhi có đủ lượng oxy cũng như nhận đủ các dưỡng chất từ mẹ. Đồng thời, tâm lý của mẹ lúc này cũng cần được ổn định; chế độ chăm sóc tiền sản đặc biệt cho các thai phụ có nguy cơ sinh non (dinh dưỡng, sử dụng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi...), sử dụng thuốc giảm co tử cung. Các bác sĩ sẽ theo dõi thai phụ thật kỹ để phát hiện ra các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, nếu cần thai phụ sẽ được cho uống kháng sinh. 

PGS.TS Đăng Hà khuyến cáo, để giảm tỷ lệ trẻ sinh non, thai phụ cần được chăm sóc tốt, nhất là trong thời kỳ thai nghén. Chị em cần đi khám thường xuyên để sớm phát hiện dấu hiệu sinh non và có biện pháp xử lý kịp thời. Thai phụ khi có dấu hiệu sinh non cần phải nhập viện gấp để được các bác sĩ kiểm tra, theo dõi. Ngoài ra, những thai phụ có nguy cơ cao hoặc khi có những dấu hiệu dọa sinh non, thai phụ cần chọn những bệnh viện có khoa chăm sóc đặc biệt trẻ sơ sinh để đảm bảo rằng em bé sau khi lọt lòng sẽ được chăm sóc kịp thời. Vì nếu bệnh viện không có khoa này, bạn và con sẽ được chuyển viện. Tuy nhiên, trong tình trạng non ngày thiếu tháng, sức khoẻ của em bé sẽ thêm phần nguy hiểm.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bùi Hương