Lý giải hiện tượng trẻ có 2 đầu, 4 tay

Google News

Trường hợp trẻ bị 2 đầu hay có 4 tay, thậm chí bị dính liền bụng, ngực do bộ nhiễm sắc thể bị rối loạn, có thể bởi mẹ bị nhiễm vi rút khi mang thai giai đoạn đầu.

Bác sĩ kể chuyện phẫu thuật

Gần đây, nhiều ca sinh con bị dị tật như trẻ có 2 đầu, có 4 tay hay bị dính nhau ở vùng hậu môn, bụng xuất hiện.

Trong tháng 12/2012, chị Danh Thị Hoàng (33 tuổi) ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã sinh một bé gái gần 3kg. Ngoài 2 cổ, 2 đầu, những bộ phận còn lại là thân thể của một bé gái với 2 tay, 2 chân, 1 tim, 1 cột sống, 1 bộ phận sinh dục nữ.

Tình trạng này từng xảy ra vào tháng 10/2011 khi một sản phụ ngoài 30 tuổi ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đến Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng sinh con lần hai. Bé gái 2 đầu, 2 tim, 2 chân, 2 tay và 1 bộ phận sinh dục nữ được sinh ra lần ấy đã chết sau hơn 1 tuần nằm theo dõi sức khỏe tại TP.HCM.

Trước đó, vào tháng 5/2012 tại BV Đa khoa tỉnh Hà Giang, cặp sinh đôi dính liền nhau Đàm Thị Thư A, Đàm Thị Thư B - con của sản phụ Hoàng Thị Thạch (SN 1991, ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, Hà Giang) cũng  chào đời.

Qua các kết quả chụp chiếu ban đầu và hình thái bên ngoài, mỗi bé có riêng biệt 4 chi, riêng tim, riêng 2 lá phổi nhưng lồng ngực, ổ bụng và bộ phận sinh dục dính liền, cả 2 đều không có hậu môn, chung nhau một cơ quan bài tiết ở giữa.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Bích, trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội thì những trường hợp đứa trẻ có 2 cái đầu, một cơ thể, 2 cổ hay 2 đứa trẻ bị dính lưng, dính bụng do quá trình phát triển thiếu của song thai. 

Cơ thể không bình thường, bị dị tật do phát triển không bình thường. Nếu lúc mang thai chỉ bằng biện pháp siêu âm có thể phát hiện ra. Thậm chí thai bị 6 ngón, giãn thận, tắc ruột còn có thể biết. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên đi kiểm tra trước sinh ở chỗ uy tín.

Trong tháng 12 vừa qua, PGS Bích cũng vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u quái cho bé B.V sinh ngày 5/12/2012.

PGS.TS Trần Ngọc Bích cho biết, từ khi sinh ra, bé B.V và khối u nặng 4,6kg nhưng trước khi lên bàn mổ bệnh nhi với khối u đã nặng 5kg. Và mổ xong, cô bé chỉ còn 2,3 kg.

Khối u “mọc” ra từ vị trí xương cụt của trẻ. Khi mổ ra, khối u là hỗn hợp nước, da đầu, tóc, dạ dày, ruột, bàng quang, 2 tay, 2 chân, có cả khung chậu.

PGS Bích kể, khi phẫu thuật phải khéo léo làm sao để tách được khối u ra khỏi cơ thể bé. Vì khối u đó nằm ở vùng cụt, xâm lấn vào trong tiểu khung, nằm sau hậu môn trực tràng và xương cụt. Nếu mổ không khéo sẽ bị thủng hậu môn, trực tràng. Sau khi mổ 3 tuần, bé gái này đã ra viện và lên được 1kg. Hiện, hậu môn hoạt động tốt, bé khỏe, đẹp.
 

Nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật

Bác sĩ Phạm Thị Minh Trang, nguyên phó chủ nhiệm Khoa Sản phụ và Kế hoạch hóa gia đình, bệnh viện 198 cho biết: Trường hợp trẻ sinh ra bị dị tật 2 đầu hay 4 tay có thể do sai lệch về di truyền.

Trong quá trình hình thành, sắp xếp tổ chức của thai nhi (từ tuần thứ 8 trở lại) nếu mẹ bị nhiễm vi rút sẽ dễ sinh con bị dị tật như trên. Trong thời gian này, các nhiễm sắc thể được sắp xếp và khi bị nhiễm vi rút, vi rút đó có thể làm sai lệch gen dẫn đến quá trình sắp xếp tổ chức không bình thường theo quy luật. Thông thường xảy ra ở các nhiễm sắc thể 18; 23.

Còn trường hợp trẻ sinh ra bị dính liền, hoặc thai ký sinh có thể là song thai cùng trứng. Khi phân chia ra đáng lẽ phải hoàn thiện để là 2 cơ thể độc lập. Tuy nhiên, vì gặp trục trặc nên phân chia không hoàn thiện vì vậy trẻ bị dính bụng, dính đầu. Thậm chí hai thai nhưng chung buồng gan, tim hoặc chung thận.

Một lý do nữa bác sĩ Trang đưa ra là có thể thai phụ bị nhiễm độc do môi trường trong giai đoạn đầu mang thai. Thai phụ có thể bị nhiễm vi rút cúm, viêm gan…

Vì vậy, thai phụ cần tiêm phòng bệnh trước. Đến chỗ đông người nên đeo khẩu trang, tránh xa người bị ốm.

Trao đổi với báo giới, PGS - TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản Trung ương), cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến sản phụ trẻ mang thai nhi dị tật là do bộ máy sinh sản của người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, noãn (trứng) chưa trưởng thành khiến sự phân chia phôi dễ gặp bất thường.

Còn theo Tiến sĩ Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y 103): Trẻ sinh ra dính nhau hay mang trong mình những khối u lớn (đại đa số trường hợp là thai trong thai của người anh em song sinh không hoàn chỉnh). 

Có rất nhiều nguyên nhân: có thể là sinh đôi cùng trứng hoặc hai phôi phát triển có phần chung nhau dây rốn bánh nhau. Nhưng thông thường thai sinh đôi cùng trứng dính nhau nhiều hơn và thường dính ở các bộ phận quan trọng đầu, ngực...

Gần đây, tỉ lệ thai nhi bị dị tật có xu hướng tăng lên. Hiện nguyên nhân gây dị tật thai nhi vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Lý do được đưa ra là do môi trường ô nhiễm, thực phẩm không đảm bảo. Ngoài ra, do bà mẹ sử dụng thuốc không theo chỉ định bác sĩ trong giai đoạn đầu mang thai.

Sinh đôi dính liền là cặp sinh đôi giống hệt nhau có phần cơ thể nào đó bị dính lại với nhau. Đây là một trong hiện tượng hiếm khi xảy ra, với tỉ lệ chỉ 1/50.000 hoặc 1/200.000, tỷ lệ này ở Đông Nam Á và Châu Phi hơi cao hơn trung bình.

Khoảng một nửa trong số các trường hợp sinh đôi dính liền bị chết trong bụng mẹ, tỉ lệ các cặp sinh đôi còn sống khi sinh ra nhưng có dị dạng gây khó khăn cho cuộc sống. Tỷ lệ sống sót của các cặp sinh đôi dính liền là khoảng 25%. Trường hợp sinh đôi dính liền xảy ra ở giới tính nữ nhiều hơn, cứ ba cặp thì sinh đôi dính liền ở nữ thì có một cặp nam.
Theo VTCnews