|
Ảnh minh họa. |
Nhiều bạn đọc thắc mắc vì có nhiều thông tin nói ăn thịt chó bị nhiễm giun sán bò “lúc nhúc” ở mắt. Lại nghe nói, nuôi chó mèo nhiều cũng có thể bị sẩy thai... Thực hư ra sao?
Bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng lên thai kỳ là do toxoplasma gondii là ký sinh trùng nội bào (sống ký sinh trong tế bào), nó có cấu trúc đơn bào, kích thước rất nhỏ, ký sinh trên mèo, đây là ký chủ vĩnh viễn của chúng, người và các động vật máu nóng chỉ là ký chủ trung gian.
Mèo thải trứng nang của toxoplasma gondii qua phân, sau đó trứng nang nhiễm vào đất, nước và thực phẩm... Người và các động vật có máu nóng khác nuốt phải trứng nang khi sử dụng thực phẩm bị nhiễm trứng nang như các loại thịt động vật sống, hoặc nấu không chín, hoặc uống nước bị nhiễm phân mèo có chứa trứng nang... Trứng nang vào cơ thể người và các động vật máu nóng khác, chu du trong hệ tuần hoàn và tạo thành kén ở hệ cơ, nội tạng (tim, gan), vào mắt và hệ thần kinh trung ương (não, tủy sống).
Đối với phụ nữ mang thai, khi bị nhiễm ký sinh trùng này sẽ truyền cho con qua nhau thai. Nếu người mẹ bị nhiễm ký sinh trùng ở 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ sẩy thai rất cao. Nếu người mẹ bị nhiễm ký sinh trùng ở 3 tháng cuối thai kỳ, ký sinh trùng sẽ qua nhau vào tuần hoàn của thai nhi, vào não gây tổn thương não, tắc nghẽn lưu thông của dịch não tủy gây nên bệnh não úng thủy.
Để phòng ngừa bệnh cần tránh tiếp xúc với mèo, hạn chế nuôi mèo và cho mèo vào phòng ngủ, sinh hoạt chung với trẻ em, phụ nữ có thai. Không ăn thịt chưa nấu chín, sữa chưa được tiệt trùng, trứng sống, rửa tay sau khi có tiếp xúc với thịt tươi, làm vườn, tiếp xúc với đất. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với phân mèo. Đối với người suy giảm miễn dịch cần tầm soát và điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội...
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)