Nhận biết khi bị tràn dịch màng tinh hoàn

Google News

(Kiến Thức) -  Tràn dịch màng tinh hoàn là hiện tượng màng tinh hoàn bị tổn thương dẫn tới ứ đọng dịch, máu hoặc mủ giữa hai lá màng tinh hoàn. 

Bệnh không chỉ gặp ở trẻ em mà người lớn cũng có thể mắc nên cần sớm nhận biết và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và một số biến chứng khác như: xơ gan, suy tim, lao và ung thư...
 Ảnh minh họa.
Khi bị tràn dịch màng tinh hoàn, người bệnh thường có các biểu hiện như bìu phình to, sa xuống; da bìu căng bóng, hiện tượng này không giảm đi dù thay đổi tư thế hay thót bụng lại. Khi dùng đèn pin soi vào bìu thì sẽ thấy ánh sáng xuyên qua được phần dịch dễ dàng. Bìu to sa xuống làm người bệnh có cảm giác vướng và tức nhẹ lúc đi lại. Để chẩn đoán chính xác tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn thì cần phải siêu âm và chọc hút dịch. Ngoài ra, người bệnh cần làm một số xét nghiệm sinh hóa, tế bào dịch màng tinh hoàn, tìm tế bào ung thư, vi khuẩn lao...
Về điều trị tràn dịch màng tinh hoàn thì tuỳ theo độ tuổi và mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Nhiều trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi bị tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh do đoạn phúc mạc trong ống bẹn (ống phúc tinh mạc) chưa được đóng kín dẫn tới một lượng dịch màng bụng từ trên chảy xuống bìu. Thông thường, ống phúc tinh mạc tiếp tục được đóng lại trong khoảng 12 tháng sau khi sinh nhưng đến khi trẻ được 18 tháng thì ống này hầu như không tự đóng lại được. Vì vậy, khi trẻ có tràn dịch màng tinh hoàn trong 2 năm đầu đời thì không nên can thiệp biện pháp điều trị nào. 
Đối với nam giới trưởng thành thì nguyên nhân gây tràn dịch màng tinh hoàn là do ống phúc mạc chưa đóng kín hoàn toàn. Tình trạng này hay gặp ở người lớn tuổi, người bệnh sau mổ thoát vị bẹn, mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn các tĩnh mạch ở phía trên tinh hoàn). Đối với trường hợp tràn dịch còn ống phúc tinh mạc ở người lớn tuổi thì việc phẫu thuật nên tiến hành khi lượng dịch gây đau tức và bất tiện trong sinh hoạt. Nếu tràn dịch màng tinh hoàn do hậu quả của các bệnh khác thì phải điều trị theo nguyên nhân. 
Cụ thể như viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn do nhiễm khuẩn thì cần dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, chống phù nề, thuốc giảm đau, corticoid; nếu bị lao sinh dục thì phải dùng thuốc kháng lao... Việc điều trị không chỉ nhằm làm giảm hết các triệu chứng mà còn phải bảo tồn được chức năng của tinh hoàn, duy trì khả năng tình dục và sinh sản cho bệnh nhân. 
ThS Nguyễn Bá Hưng