Hỏi: Cháu nhà tôi 4 tuổi, nói ngọng, bác sĩ đến khám sức khoẻ ở trường nói cháu bị điếc vừa. Xin hỏi, nói ngọng liên quan gì tới điếc? Việc đánh giá điếc nặng, điếc nhẹ như thế nào? Có nhiều trẻ bị điếc như cháu tôi không? - Đỗ Lê Thu (Kim Giang, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng T.Ư: Hiện nay, trong xã hội số trẻ em bị điếc nhẹ và vừa chiếm 3% số trẻ. Phần lớn trẻ em điếc không được phát hiện trước 2 - 3 tuổi. Nếu không được phát hiện trẻ sẽ bị chậm nói hoặc nói ngọng, tính nết không bình thường ảnh hưởng lớn tới sự hình thành ngôn ngữ và sự phát triển về tư duy của trẻ.
Vì vậy, nếu thấy trẻ nói ngọng hoặc nghe kém, cần cho trẻ đi khám tai, đo sức nghe, xác định loại điếc và nguyên nhân. Điếc nhẹ (trẻ nghễnh ngãng): Giảm 20 - 40dB, trẻ có thể phát âm không chuẩn nhất là đối với một số phụ âm. Điếc vừa: Giảm 40 - 60dB, trẻ chỉ nghe được tiếng nói to, vì vậy, nhất thiết phải đeo máy và cần phải luyện giọng chuẩn nếu không thì tiếng nói trẻ sẽ vô tổ chức.
PV (ghi)