Tiêu chảy do Rota vi rút: Phòng, trị bệnh không khó

Google News

(Kiến Thức) - Ở thời điểm hiện tại, trường hợp trẻ nhỏ bị tiêu chảy do nhiễm vi rút rota đang tăng đột biến. Đây là bệnh không khó chữa nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nếu không phòng và chữa trị kịp thời.

Bệnh tiêu chảy do nhiễm vi rút rota gây ra thường diễn xuất hiện vào mùa đông xuân. Bởi đây là thời điểm môi trường cũng như nhiệt độ thích hợp để vi rút phát triển. Một ngày trung bình Khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội tiếp nhận khoảng hai mươi bệnh nhân tiêu chảy do nhiễm vi rút rota. Và số bệnh nhân tiêu chảy được xuất viện cũng ở con số tương đương với số ca nhập viện. 

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do nhiễm vi rút rota. Vi rút này lây nhiễm bởi đường phân và đường miệng. Nó lây nhiễm và phá hủy tế bào ở thành ruột non, gây ra viêm dạ dày ruột.

Với bệnh tiêu chảy do nhiễm vi rút rota, đối tượng mắc chủ yếu ở những trẻ dưới 2 tuổi, đây là thống kê không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, số ca mắc bệnh giảm hơn hẳn. Gần như tất cả trẻ em trên thế giới đã bị nhiễm vi rút rota ít nhất một lần. Tuy nhiên, với mỗi lần nhiễm, hệ miễn dịch của trẻ lại phát triển, và các lần nhiễm tiếp theo ít nghiêm trọng hơn các lần nhiễm trước. Riêng với người lớn ít khi bị ảnh hưởng bởi vi rút rota.

Trung bình mỗi ngày  Khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội tiếp nhận khoảng hai mươi bệnh nhân tiêu chảy do nhiễm vi rút rota. (Ảnh Thúy Liễu)

Các triệu trứng thường thấy ở trẻ khi bị tiêu chảy do nhiễm vi rút rota như: nôn mửa, tiêu chảy ra nhiều nước và sốt nhẹ. Đặc biệt, dấu hiệu đi ỉa phân lỏng từ 3 lần 1 ngày trởi lên là những biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp. 

Thời gian ủ bệnh trong vòng hai ngày trước khi triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng thường bắt đầu với ói mửa, khoảng 4 đến 8 ngày sau sẽ tiêu chảy nhiều. Mất nước xảy ra phổ biến hơn trong nhiễm vi rút rota so với hầu hết các trường hợp nhiễm vi khuẩn khác. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến nhiễm vi rút rota ở trẻ.

Bác sỹ Bùi Thu Hương, Chuyên khoa II, Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Những trường hợp nhập viện do tiêu chảy thường là những trường hợp bị mất nước rất nặng, có thể rối loạn thành phần trong máu, kèm theo là rối loạn điện giải (rối loạn sự cân bằng nước trong cơ thể) hoặc suy dinh dưỡng, sốt cao… 

Tuy nhiên, tính đến thời điển hiện tại, Khoa tiêu hóa bệnh viện Nhi Trung ương chưa có trường hợp nào tử vong do nhiễm vi rút rota. Bởi hiện nay, bệnh viện có thể khống chế được bệnh tiêu chảy cấp và không để xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong”. 

Bác sỹ Hương cho biết thêm: “Bệnh nhân tiêu chảy do nhiễm virut rota không khó chữa. Vì vậy, việc phòng bệnh là chủ yếu. Trong đó, việc vệ sinh là quan trong nhất. Bởi, nguyên nhân chính dẫn đến tiêu chảy là do ăn uống, vệ sinh, môi trường, không khí,… không đảm an toàn vệ sinh, làm cho trẻ nhỏ dễ nhiễm virut”.

Cách phòng bệnh cần chú ý từ môi trường sống, nguồn thực phẩm, cho tới đồ ăn, nước uống, đôi bàn tay, các vật dụng chứa đựng thức ăn… phải thật sạch sẽ. Bên cạnh đó, với những trẻ đang trong thời gian bú mẹ, các mẹ phải đảm bảo đầu vú luôn sạch sẽ, vệ sinh kỹ trước khi cho trẻ ăn. Đặc biệt, với trẻ dưới 4 tháng phải uống vắc xin phòng rota tại các trung tâm phòng dịch.

Chế độ ăn đối với trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp là ăn theo lứa tuổi. Chú ý kiêng bẩn cho trẻ, không ăn những thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất dinh dưỡng và độ an toàn. Đặc biệt, đối với những trẻ đang bị bệnh tiêu chảy tuyệt đối không được ăn ốc, ếch... 
 Các bệnh Nhi đang chờ khám.

Đồng thời, với trẻ bị tiêu chảy có thể bù nước bằng orezon theo tỷ lệ 1 gói pha với 200ml nước ấm, đút thìa một, 2 phút một thìa. Uống theo cân nặng và theo phác đồ điều trị, tùy vào từng trường hợp với trẻ như: trẻ chưa bị mất nước, trẻ bị mất nước nhiều hoặc trẻ bị mất nước nặng.

Đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ, khi được hỏi về kiến thức bệnh tiêu chảy hầu như không ai nắm rõ. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp chữa bệnh cho trẻ nhỏ theo kinh nghiệm, chỉ tới khi các triệu trứng bệnh không giảm mà còn nặng hơn lúc đó mới đưa trẻ tới bệnh viện. Chị Vân Anh (Quốc Oai, Hà Nội) có con đang điều trị tại Khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Mấy hôm trước thấy cháu sốt nhẹ, kèm theo quấy khóc nên tôi nghĩ có thể cháu bị sốt do mọc răng. Tôi có cho cháu uống thuốc, tuy nhiên vẫn không khỏi. Khi thấy cháu đi ngoài phân lỏng tôi mới tá hỏa là cháu bị tiêu chảy và đưa ngay tới bác sỹ”.

Trong thời điểm “mùa” bệnh tiêu chảy cấp đang diễn ra bác sỹ Hương, Chuyên khoa II, Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo đối với các bậc cha mẹ phải luôn giữa vệ sinh sạch sẽ và chú ý giữ ấm cho trẻ. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu bệnh tiêu chảy để kịp thời điều trị. 

TIN LIÊN QUAN:


Phạm Thùy

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn thị thu thảo -

Mình muốn đăng ký tiêm phòng dịch virut zota tiêu chảy thì đăng ký ở đâu ạ. Phản hồi sớm nhất giúp em nhé

Hiển thị thêm bình luận