Hỏi: Khi tôi đo huyết áp ở viện, chỉ số huyết áp luôn cao hơn khi tự đo ở nhà. Làm sao để khắc phục điều này bởi huyết áp của tôi thường bình thường khi đo ở nhà, thỉnh thoảng mới cao, trong khi đo ở viện thì bị bảo là cao huyết áp - Trần Thị Hồng (72 tuổi, Ý Yên, Nam Định).
|
Ảnh minh họa. |
GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam: Điều bà nói thường xảy ra với nhiều người. Trên máy đo huyết áp điện tử, bà có thể thấy số 135mmHg thay vì 140mmHg để xác định là tăng huyết áp, vì đó là con số ở nhà, không có nhiều ảnh hưởng của môi trường có thầy thuốc, y tá, mà ở bệnh viện, huyết áp có thể tăng cao một chút, cho nên người ta ghi số 140mmHg, tính tới ảnh hưởng tâm lý.
Tuy nhiên, có một công trình theo dõi trong 20 năm những người trẻ tuổi có hoặc không có hiện tượng "áo choàng trắng" này, người ta thấy tỷ lệ sau này mắc bệnh tăng huyết áp thực sự có cao ở nhóm khi trước có tăng huyết áp do "áo choàng trắng".
Việc người cao tuổi tự kiểm tra, theo dõi huyết áp là tốt. Tuy nhiên, bà cũng đừng lo lắng khi thấy mỗi lần đo không giống nhau. Việc xác định có bệnh cao huyết áp hay không sẽ do bác sĩ thực hiện. Nếu bác sĩ xác định bà có cao huyết áp, bà sẽ phải điều trị theo bác sĩ để kiểm soát huyết áp xuống mức ổn định, an toàn.
PV (ghi)