“Trời ơi sao lại ác đến vậy! Họ là bảo mẫu mà” – một phụ huynh thốt lên khi xem hai đoạn clip hình ảnh cô bảo mẫu đè trẻ ra đổ thức ăn, xách đầu, nhét dẻ vào mồm đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Đó không phải là một cảnh quay được dàn dựng trong một bộ phim nào đó mà đó là sự thật hãi hùng xảy ra tại nhóm trẻ Mẹ Mười (địa chỉ tại số 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).
Những cảnh quay trong clip được các phụ huynh tua đi tua lại là hình ảnh một cháu bé nằm giữa nhà, bên cạnh là một cô bảo mẫu cho ăn như mấy tiểu thương “nhồi bánh đúc vào gia cầm ngoài chợ” khi liên tục đổ thức ăn vào miệng.
|
Hình ảnh một cô bảo mẫu cho trẻ ăn như mấy tiểu thương “nhồi bánh đúc vào gia cầm ngoài chợ” khi liên tục đổ thức ăn vào miệng. |
Sự phẫn nộ dâng trào đến tận cùng lương tri người xem khi cháu bé không chịu ăn nữa, người phụ nữ này ép ăn bằng cách lấy khăn trùm lên mặt trẻ em và đập đánh. Hình ảnh một người phụ nữ khác bặm môi, gồng mình lên dùng hai tay xách đầu một em bé khác lên dù các em mới chỉ trong độ tuổi từ 1-3.
Những hình ảnh ghê rợn ấy lại xảy ra giữa thành phố được cho là đáng sống khiến nhiều người rùng mình, thậm chí giật mình khi nghĩ con mình cũng có thể là nạn nhân của tình trạng bạo hành tương tự.
Bởi những hình ảnh bảo mẫu tàn ác với trẻ em không chỉ diễn ra ở nhóm trẻ Mẹ Mười.
Đến tận bây giờ, khó ai có thể quên được hình ảnh bảo mẫu dùng khăn vải đánh, cầm bình nhựa đập mạnh lên đầu, vụt dép, tát tới tấp, thậm chí dùng dao để bạo hành những đứa trẻ ngây thơ tại trường mầm non tư thục Mầm Xanh (TP HCM) xảy ra vào cuối năm 2017.
Chắc hẳn nỗi sợ hãi còn hằn trong tâm trí các bậc phụ huynh hình ảnh các cô bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh (TP HCM) hành hạ trẻ nhỏ dã man khiến người khác rùng mình để ép trẻ con ăn như: Túm cổ các trẻ nhỏ, đặt lên ghế rồi đút liêp tiếp các muỗng thức ăn vào miệng bé. Em nào không ăn thì bị đập mạnh khoảng chục cái vào sống lưng, đầu và hông…Thậm chí nâng trẻ lên, dúi đầu xuống gần thùng nước để dọa...
Clip bảo mẫu gác chân, tát vào mặt trẻ ở Đà Nẵng: - Nguồn Youtube/Tuấn Trần.
Mỗi vụ việc trẻ em bị bạo hành như vậy, không chỉ những bậc phụ huynh, mà những người được xem các cảnh đoạn clip được đăng tải lên mạng đều thốt lên rằng: “Họ là bảo mẫu! Sao họ ác đến như vậy?”.
Và mỗi lần dư luận nổi bão dâng phẫn nộ, cũng rất nhanh chóng, các cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều bảo mẫu bị khởi tố, cơ sở mầm non bị đóng cửa. Khi đó, người ta lại ước mong “Tôi không muốn có thêm một trường hợp nào khác trong thời gian tới" như Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nói về sự việc xảy ra ở trường Mầm Xanh trước dư luận.
Thế nhưng, những sự việc bảo mẫu bạo hành trẻ em vẫn xảy ra gây nhức nhối dư luận và người ta lại đặt ra câu hỏi: “Tại sao bạo hành trẻ em vẫn tái diễn với những hình ảnh rùng rợn hơn trước?”.
Một vụ bạo hành xảy ra, người ta có thể tự an ủi mình rằng, đó chỉ là trường hợp cá biệt do đạo đức của một bộ phận bảo mẫu xuống cấp nhưng nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở nhiều cơ sở giáo dục, người ta không thể không nghĩ đến trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, địa phương và trách nhiệm chính thuộc về ngành giáo dục.
Bởi vì, hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ em từ khi được cấp phép luôn có sự giám sát chặt chẽ và ràng buộc bằng các quy định nghiêm ngặt với nhiều cơ quan quản lý giám sát như UBND phường, xã, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, hội phụ huynh, các tổ chức đoàn thể…Thế nhưng vai trò của họ ở đâu khi liên tiếp xảy ra những vụ trẻ mầm non bị bạo hành.
Thậm chí, khi có quá nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em, nhiều phụ huynh đã phải thốt lên rằng: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ! Ác mẫu sao cứ nhan nhản như vậy?
Bộ trưởng ở đâu khi những hành vi bạo lực, xúc phạm đến nhân phẩm, thể chất của trẻ em liên tục diễn ra?
Bộ trưởng từng im lặng khi cô giáo ép học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau, khi cô giáo lặng im suốt 4 tháng trời lên lớp, khi cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ hay khi thầy giáo bị tố sàm sỡ hàng loạt các nữ học sinh tiểu học…
Nhưng đã đến lúc Bộ trưởng cần lên tiếng, cần hành động quyết liệt hơn nữa để lấy lại niềm tin từ chính những bậc phụ huynh và dư luận cả nước. Để những đứa trẻ thơ ngây không phải chịu những ám ảnh, không phải học theo thói hư tật xấu từ chính những người các em “coi như mẹ hiền”.
Chứ không phải sự lặng im khiến ngay cả các cử tri và nhân dân phải gửi tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XIV những bức xúc bởi: “Chất lượng dạy và học ở một số cơ sở giáo dục, trường học còn hạn chế, chạy theo thành tích; việc quản lý đào tạo sau đại học, cấp và quản lý bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo; một số địa phương lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc”.
Thiên Nga