|
Ảnh minh họa. |
Ngày 21/7/2015, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean bank) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Chưa thể vội vàng kết tội ông Nguyễn Xuân Sơn khi tòa án chưa phán xét nhưng với việc một số “đại gia” ngân hàng lần lượt đứng trước vành móng ngựa khiến những người tâm huyết với sự phát triển bền vững của đất nước không thể không suy ngẫm về “hội chứng ngân hàng” trong thời kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Trong những năm (2005 – 2010) “phong trào” thi đua thành lập ngân hàng bùng phát nhanh chóng khiến không ít người tỏ ra nghi ngại. Có vị chuyên gia kinh tế thời kỳ đó được mời làm việc ở một ngân hàng cổ phần thương mại với mức lương cao ngất ngưởng song đã khéo léo từ chối với lý do “ngân hàng đang phát triển nóng vội, nên độ rủi ro cao, cuối cùng nhất định phải trả giá”. Quả nhiên sau đó hậu quả là số ngân hàng yếu kém, nợ xấu lớn không còn là cá biệt... Rất may Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp kịp thời, nếu không hậu quả sẽ thật khó lường.
Mong sao bài học đắt giá về “hội chứng ngân hàng” không chỉ là của riêng ngành ngân hàng mà còn là bài học chung đối với nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Để sau những bài học đó, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có những quyết sách đúng lúc, hiệu quả, góp phần tháo gỡ những nút thắt đang làm cản trở sự phát triển bền vững, đúng định hướng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lê Khánh (Thụy Khuê, Hà Nội)