|
Ảnh minh họa. |
Chỉ kịp chào lại: Cô đi đâu mà trang điểm kỹ thế! Chắc cô ấy nghĩ đó là một lời khen nên hớn hở phóng vù đi. Để lại tôi đứng đó với nỗi hậm hực trong lòng. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu nữa tôi phải ôm nỗi bực trong lòng vì cứ nghĩ một đằng nói một nẻo.
Đáng lẽ tôi phải nói thẳng với cô rằng, cô trang điểm thế nhìn khiếp lắm. Cô hẹn gặp ai thì khéo hỏng việc đấy! Để cô ấy có giận thì giận, nhưng may ra rồi sẽ giật mình nhìn lại và lần sau rút kinh nghiệm. Chứ để cô mang khuôn mặt bự phấn như geisha ra đường tôi thấy thật ái ngại. Đấy, mặc dù trong đầu nghĩ như thế nhưng chẳng bao giờ tôi có đủ dũng khí để mà nói ra cái sự thật ấy cả. Thế nên trong lòng rất khó chịu.
Trên đời này tôi sợ nhất là gặp phải hai loại người. Một là những người không xinh mà cứ nghĩ mình là tuyệt sắc giai nhân, cứ trang điểm như lên sân khấu, nhìn đến khiếp... Mệt nhất là cứ phải nghe họ tự tán dương mình: Nào là chị bán hàng này bảo em dạo này xinh thế, da đẹp thế, anh kia bảo sao trẻ thế... Nhiều lúc chối đến mức chỉ muốn nói toẹt ra rằng: "Xin bà, đấy là họ khen xã giao, phải tỉnh táo mà nhìn lại mình đi". Nhưng rồi nghĩ, thế thì phũ phàng quá mà chắc gì người ta đã nhận ra, rồi lại chỉ gây thù chuốc oán. Thôi thì ai có thân người đấy lo.
Và loại thứ hai là những người đã dốt lại cứ cho rằng mình thông minh, đã không biết lại hay khoe, lại cứ lên giọng dạy đời. Đây mới là những người nguy hiểm. Bởi vì mình không thể nào, không thể có cách nào làm cho họ hiểu rằng: Anh còn dốt lắm, về mà học lại đi, đừng nói nữa người ta cười cho đấy.
Tôi thấy những người ảo tưởng về mình như vậy dường như họ mắc một thứ bệnh rồ dại của Đôn Kihôtê, họ có một thế giới quan rất kỳ quặc (người thì lẻo khẻo, ốm yếu mà cứ nghĩ mình là hiệp sĩ dũng mãnh, nhìn cô hầu gái lại tưởng là công chúa...). Và dù người khác có mất công chỉ cho họ thấy rằng, sự thực không phải thế, thì họ cũng không thể nào hiểu được. Còn chính sự im lặng của những người xung quanh lại càng khiến cho căn bệnh này lan rộng.
Minh Anh