Bị giả mạo đặt cọc 11 tỷ đồng khi tài sản đang thế chấp

Google News

Hợp đồng đặt cọc được chứng nhận bởi công chứng viên thuộc Phòng Công chứng số 7 (quận 6, TP HCM) được công an xác định: Chữ ký và dấu vân tay không phải là của bà Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc có người giả mạo chữ ký và dấu vân tay của bà Mỹ để thực hiện hợp đồng đặt cọc có trị giá 11 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tài sản trong hợp đồng đặt cọc trên đang là tài sản mà bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1990; trú tại 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM) đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tân Bình (viết tắt là Vietcombank Tân Bình).
Bi gia mao dat coc 11 ty dong khi tai san dang the chap
 Bà Nguyễn Thị Mỹ.
Bị giả mạo chữ ký, dấu vân tay trong hợp đồng đặt cọc
Theo thông tin bà Mỹ phản ánh đến Báo Tri thức và Cuộc sống; cũng như các đơn, thư, đơn tố giác tội phạm, tố cáo tội phạm đến các cơ quan chức năng bà Mỹ cho biết mình là chủ sở hữu hợp pháp nhà ở và quyền sử dụng đất ở tọa lạc tại địa chỉ số 1051/4C đường Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi tắt là sổ hồng) hồ sơ gốc số 11162/99 ngày 23/9/1999 do UBND TP HCM cấp; đã được cập nhật tên bà Mỹ tại mục III của sổ hồng vào ngày 30/12/2019.
Tài sản trên được bà Mỹ thế chấp tại Vietcombank Tân Bình thông qua 2 hợp đồng tín dụng là Hợp đồng số 532/TBN-KTN/19DH ngày 30/12/2019 và số 024/TBN-KTN/22HD ngày 26/1/2022, dư nợ tín dụng là 13.517.240.000 đồng. Giá trị tài sản thế chấp được Vietcombank Tân Bình định giá là 22 tỷ đồng.
Bi gia mao dat coc 11 ty dong khi tai san dang the chap-Hinh-2
 Phòng Công chứng số 7. (Ảnh internet)
Ngày 13/9/2023, bà Mỹ bất ngờ phát hiện: Ngày 22/11/2021, Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Nhân của Phòng Công chứng số 7 đã ký chứng nhận Hợp đồng đặt cọc số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD với những nội dung sau:
“Bên đặt cọc (Bên A): Ông Nguyễn Hoàng Lam Đô (sinh năm 1992, căn cước công dân số 079.092.002.241, cư trú 135/17/11 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM đặt cọc cho Bên nhận đặt cọc (Bên B): Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1990, chứng minh nhân dân số 205577541, cư trú: Đàn Thượng, Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) và bên A giao số tiền đặt cọc này cho bên B ngay khi ký hợp đồng này.
Mục đích và thời hạn đặt cọc: Để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM, sẽ ký giữa hai bên kể từ thời điểm hai bên ký hợp đồng này cho đến chậm nhất vào ngày 31/12/2021 với giá mua bán, chuyển nhượng là 25.000.000.000 (hai mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam”.
Bà Mỹ cho biết, bà không hề ký hợp đồng đặt cọc trên.
Sau khi phát hiện sự việc trên, bà Mỹ đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT công an Quận 6.
Ngày 23/1, cơ quan này có Văn bản số 331/TB-ĐCSHS Thông báo Kết luận Giám định gửi bà Mỹ, với nội dung: “Chữ viết, chữ ký họ tên Nguyễn Thị Mỹ trong Hợp đồng đặt cọc không phải do bà Mỹ ký; dấu vân tay hợp đồng đặt cọc cũng không phải của bà Mỹ ký”.
Điều này đồng nghĩa với việc bà Mỹ bị giả mạo chữ ký, dấu vân tay trong hợp đồng đặt cọc có số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD tại Phòng Công chứng số 7.
Công an TP HCM chuyển đơn tố giác đến Công an quận 6
Tuy nhiên, đến ngày 15/3, Cơ quan CSĐT quận 6 có Văn bản số 879/ĐCSHS thông báo với bà Mỹ về việc không khởi tố vụ án hình sự, với lí do: Qua tài liệu chứng cứ thu thập đươc, xét thấy chị Nguyễn Thị Mỹ tố giác có đối tượng (chưa rõ lai lịch) giả mạo chữ ký và dấu vân tay điểm chỉ của chị Nguyễn Thị Mỹ trên hợp đồng đặt cọc số 13074, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/11/2021 là có thật, tuy nhiên hành vi giả mạo chữ ký và dấu vân tay điểm chỉ của chị Nguyễn Thị Mỹ trên hợp đồng đặt cọc số 13074, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/11/2021 không cấu thành tội phạm “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự.
Cho rằng Công an quận 6 chưa giải quyết quyết liệt, triệt để, ngày 13/5, bà Mỹ gửi đơn tố giác tội phạm đến Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cùng ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng Viện KSND TP HCM.
Theo đó, bà Mỹ tố giác dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Nhân (người chứng nhận hợp đồng đặt cọc) thuộc Phòng Công chứng số 7, ông Nguyễn Hoàng Lam Đô (người đứng tên bên đặt cọc trong hợp đồng đặt cọc) và một số cá nhân tại Vietcombank Tân Bình.
Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chuyển đơn tố giác của bà Mỹ đến Công an quận 6 để điều tra vụ việc.
Vietcombank Tân Bình có vô can?
Trong hợp đồng đặt cọc số 13074, có thể hiện nội dung tài sản đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình và được chi nhánh ngân hàng này có văn bản đồng ý. Đó là Văn bản số 1233/TB-TBN-KHBL, được ký ngày 19/10/2021, bởi người có tên Nguyễn Hữu Thắng nhưng không ghi rõ chức vụ. Có nội dung: “theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Mỹ, ngân hàng chúng tôi đồng ý cho ông/bà được tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản trên”.
Tuy nhiên, bà Mỹ cho biết bà chưa từng có lời đề nghị nào gửi đến Vietcombank Tân Bình về việc đồng ý cho bà tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc đối với tài sản bà đang thế chấp tại ngân hàng này.
Bi gia mao dat coc 11 ty dong khi tai san dang the chap-Hinh-3
 Văn bản của Vietcombank Tân Bình đồng ý cho đặt cọc mua bán tài sản.
Mặt khác, trong văn bản gửi phòng công chứng, Vietcombank Tân Bình ghi “theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Mỹ”, nhưng trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Giám đốc Vietcombank Tân Bình, lại nói “việc này thực hiện theo đề nghị của ông Phan Hùng Cường”.
Ông Cường là người được bà Mỹ ủy quyền toàn quyền các giao dịch liên quan đến căn nhà do bà đứng tên và đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình.
Tuy nhiên, khoảng 1 năm trước đó, giấy ủy quyền trên đã được hủy vào tháng 10/2020. Và Vietcombank Tân Bình lại dựa vào bản… photo của giấy ủy quyền đó để có văn bản đồng ý cho Văn phòng Công chứng số 7 cho phép thực hiện hợp đồng đặt cọc mua bán nhà của bà Mỹ.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.

Xuân Thọ