Câu chuyện về chữ “tín“

Google News

Cả nhà lếch thếch đi về. Bực mình vì lỡ xe thì ít, tức vì bội tín thì nhiều, tôi gọi điện cho lái xe taxi quen từ Hà Nội lên đón.

- Ngày nghỉ lễ, người xe nườm nượp. Thấy tôi lo lắng cho chuyến "khứ hồi" từ quê lên Hà Nội, bà chị gái sốt sắng: "Để chị đặt chỗ xe cho, cậu này là em trai một chị cùng cơ quan chị. Cậu ấy mới chạy xe, bến đỗ ngay gần nhà mình. Đi xe người quen yên tâm, bảo đảm". 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đặt chỗ xong, chị cho tôi số điện thoại nhà xe. Để chắc chắn, tôi điện cho cậu lái xe, cậu hồ hởi: "Chị cứ yên tâm, mai đúng 7h sáng chị ra bến là xe chạy". Tôi băn khoăn hỏi cậu có cần phải mua vé trước không, cậu cười bảo: "Không cần, chỗ người quen chị không phải lo. Chị có con nhỏ em dành ghế ưu tiên cho chị. Đúng 3 ghế nhé, em không bán cho ai khác nữa".

Tối trước ngày lên đường, một anh bạn bỗng gọi điện hỏi: "Mai em có đi Hà Nội không, anh đi ngang qua đón cả gia đình". Xe anh 4 chỗ, anh chỉ đi có một mình, nghe thật hấp dẫn. Nhưng đã hẹn với cậu em kia để vé cho, tôi không thể làm cậu nhỡ khách, đành từ chối bạn.

Từ 6h30, tôi cùng chồng con đã có mặt ở bến, chắc mẩm ra sớm thế này là yên tâm. Nhưng thấy hơi lạ vì chẳng thấy có cái xe nào đậu ở đó. 7h kém, tôi gọi điện cho cậu lái xe, thì đầu dây bên kia là một giọng thản nhiên: "Chết, xe đông quá, đủ khách nên em chạy luôn, quên mất là chị đã đặt chỗ".

Cả nhà lếch thếch đi về. Bực mình vì lỡ xe thì ít, mà tức vì bị bội tín thì nhiều, tôi gọi điện cho một lái xe taxi quen từ Hà Nội lên đón. 3h chiều, xe taxi mới tới nơi. Tôi ngạc nhiên thấy bước ra từ xe là hai người. Trong đó, anh lái xe quen băng bó đầu, tay trắng toát. Anh bảo, anh mới bị cướp đâm, thoát chết. Vì muốn giữ chữ tín với khách hàng, anh cử người khác tới lái nhưng đi cùng theo để tôi yên tâm.

Cùng một sự việc, nhưng hai cách ứng xử sao khác nhau đến thế!  
         
Mai Nguyên

[links()]