Chết người, ô nhiễm môi trường: Biến tướng xấu xí ngày ông Công, ông Táo

Google News

(Kiến Thức) - Nếu thần linh có thật như trong những câu chuyện dân gian ông Công, ông Táo thì có lẽ họ cũng khó có thể phù hộ giúp đỡ những con người vô ý thức khi thả cá chép thả cả bàn thờ xuống sông hồ, đầu độc môi trường sống.

Ngày 23 tháng Chạp - theo quan niệm dân gian là cúng ông Công, ông Táo. Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, đủ đầy mang đến sự sinh sôi nảy nở.
Tục cúng ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng sau này dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa được "Việt hóa" thành huyền tích hai ông một bà, tức vị thần đất, thần nhà và thần bếp núc.
Đây là một trong những tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn được người Việt lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tiếc rằng, phong tục truyền thống tốt đẹp qua thời gian đã bị hiểu sai dẫn đến sự biến tướng trong tư duy văn hóa.
Người Việt cho rằng, do quanh năm ở trong bếp nên các ông Táo biết hết mọi chuyện dở hay, tốt xấu trong gia đình và nghĩ rằng đến ngày 23 tháng Chạp vợ chồng ông Công, ông Táo sẽ lên chầu Ngọc Hoàng trên Thiên đình để báo cáo những vấn đề diễn ra trong năm đã qua.
Bởi vậy, họ cho rằng, trong ngày này làm lễ tiễn ông Táo nên chầu trời sẽ được các ông Táo “phù hộ” báo cáo những điều tốt đẹp lên “Thiên đình”.
Chet nguoi, o nhiem moi truong: Bien tuong xau xi ngay ong Cong, ong Tao
 Những đàn cá chép này khó có thể hóa rồng trong môi trường ô nhiễm do hành vi của con người. Ảnh:  phatgiao.org.vn
Lễ vật người xưa thường dùng để cúng ông Công, ông Táo gồm mâm cỗ mặn, trầu cau, rượu trắng, hương, đèn, nến, hoa, quả tươi hai mũ cánh chuồn cho Táo Ông và một mũ không có cánh chuồn cho Táo Bà, ba cái áo bằng giấy, cá chép giấy để làm phương tiện cho ông Táo lên chầu trời.
Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân khá giả hơn trước nên sinh lễ nghĩa. Nhiều gia đình bày biện mâm cỗ cúng ông Táo lên đến gần chục triệu đồng ngoài mâm cỗ mặn gồm toàn thực phẩm đắt tiền như hải sản, ba ba, sâm cầm, gà Đông Tảo…những đồ vàng mã cũng ông Táo cũng được sắm sang đủ loại từ quần, áo đến nhà lầu, xe hơi, máy bay...
Dường như người ta cho rằng việc “đút lót” cho các Táo toàn cao nương mỹ vị, vật dụng sang chảnh để các Táo bỏ qua việc xấu của gia đình, báo cáo Thiên Đình toàn những chuyện tốt đẹp xin cho nhiều lộc, nhiều tiền, thăng quan, tiến chức, tiền bạc rủng rỉnh.
Ngay cả việc thả cá chép để đưa ông Táo lên chầu trời cũng được người dân làm rất cẩn thận khi mang cá ra những con sông lớn để thả với mong muốn “cá chép” không bị tắc đường dễ dàng vượt vũ môn hóa rồng đưa các Táo sớm lên Thiên đình. Bởi vậy, họ không quản nguy hiểm ra bờ sông, mép hồ lớn để thả cá.
Những điều tốt đẹp chưa thấy, hậu quả đã xảy ra khi trong ngày cúng ông Táo vừa qua, hai người ở Hải Dương và TP HCM đã thiệt mạng do ngã xuống sông, hồ khi thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo.
Họ đều là những trụ cột gia đình, ngày đi cầu mong may mắn cũng là ngày họ vĩnh viễn rời xa gia đình, biến ngày tết thành tang gia cho gia đình.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên trong ngày cúng ông Táo xảy ra chuyện chết người khi thả cá chép nhưng tiếc rằng năm nào cũng vài mạng cúng cho “hà bá” vì sự cẩu thả.
Không khó để bắt gặp những cảnh cẩu thả của người dân khi đi thả cá chép như hành động đứng mép bờ sông, hồ lớn, ngoài người trên cầu, đứng trên thành cầu thản nhiên ném cá chép, ban thờ, bát hương, đồ thờ cúng, túi bóng… xuống dưới lòng sông, hồ, kênh, mương rạch một cách bừa bãi, tùy tiện mà không theo bất cứ một quy định nào.
Những hành vi tùy tiện ấy không chỉ gây nguy hiểm cho chính những người thả cá mà còn gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại dưới sông, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thực tế nhiều năm qua, cứ sau ngày ông Công, ông Táo, các hồ, kênh rạch, sông ngòi bị ô nhiễm trầm trọng bởi hành vi vô ý thức của con người. Để minh chứng điều đó không khó và không phải đi đâu xa ngay thủ đô Hà Nội trong ngày ông Công, ông Táo chỉ cần ra Hồ Tây, sông Hồng, hồ Thủ Lệ, hồ Ba Mẫu, thậm chí sông Tô Lịch…dễ dàng bắt gặp cảnh tràn ngập túi nilong, giấy rác, tro bụi làm mất mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng môi trường thủ đô.
Chắc hẳn, những con cá chép được thả trong môi trường ô nhiễm do con người gây ra nổi vật vờ trên hồ, sông ngòi giữa những chiếc túi nilon, tro tàn hương cũng khó có thể đủ sức để vượt vũ môn, hóa rồng. Đấy là chưa nói đến những kẻ tham lam, mang kích điện ra sông ngòi rình rập khi người khác thả cá chép xuống để chích điện mang về bán.
Cá chép có vượt vũ môn, có hóa rồng, các Táo có lên chầu trời được thì trước những việc làm xấu xí, tiêu cực vô ý thức của người dân, chắc hẳn các Táo quân và thần linh cũng không thể “phù hộ” hay giúp đỡ những con người vì cầu lợi bản thân mà bất chấp môi trường sống của nhiều người khác.
Nét đẹp văn hóa tâm linh là giúp con người tìm được sự thanh tịnh trong tâm hồn, giúp họ sống nhân văn hơn trong xã hội, có ý thức sống đẹp, sống tốt, biết kiềm chế cái xấu. Niềm tin “ông Táo” sẽ giúp con người sống tốt với nhau hơn chứ không phải những hành vi vô ý thức để cầu mong những điều tốt đẹp.
Thần linh khó có thể giúp đỡ những người có những hành vi sai trái dù có bày biện mâm cao cỗ đầy, vật dụng đắt tiền để thờ cúng họ. Bởi những hành vi ấy là báng bổ thần linh, gây nguy hại đến hàng triệu người khác. Không thần linh nào chứng giám, ủng hộ những hành vi xấu xí bởi như thế chẳng khác nào tiếp tay cho cái ác, cái xấu.
Và quan trọng hơn, cho thấy con người ngày càng xuống cấp trong ý thức và đạo đức khi có những hành vi khó chấp nhận làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống vốn được coi là nét văn hóa đẹp.
Để chấm dứt tình trạng vô ý thức của nhiều người dân như trên, các cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cần có những biện pháp mạnh như đề ra những quy định xử phạt với những hành vi thiếu ý thức, gây nguy hại đến môi trường.
Quan trọng hơn, những người dân phải nhận thức được hành động của mình, bởi những nét đẹp văn hóa, truyền thống phải được lưu giữ bằng những hành động tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng xã hội.
Thiên Nga