Đọc thông tin chi tiền 18 tỷ chăm cây xanh trên báo chí, dư luận không khỏi giật mình như chính bài báo đã chạy tít.
|
Tưới cây xanh đô thị. Ảnh minh họa. |
Bạn có thể tưởng tượng nổi không, chỉ mỗi việc chăm cây xanh cho một quận – quận Bình Thủy ở Cần Thơ – mà chi phí một năm lên đến 18 tỷ 359 triệu đồng. Đấy là cái giá được gọi là trúng thầu, nghĩa là rất hợp pháp. Công ty CP Đầu tư Việt Tín là doanh nghiệp đã có ba năm liên tiếp (2013-2015) trúng gói thầu này do Phòng quản lý đô thị quận Bình Thủy làm chủ đầu tư. Các công ty khác dù bỏ thầu với giá thấp hơn nhưng đều trượt… vỏ chuối!
Nhưng cái sự giật mình của dư luận không chỉ ở con số hơn 18 tỉ đồng mà ngân sách phải bỏ ra. Sau khi trúng thầu, công ty Việt Tín đã “bán cái” cho doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Vạn Lợi trong nhiều năm liền với giá chưa đến 1/3 giá đã trúng thầu. Quả là sốc chứ không chỉ giật mình. Sốc bởi làm ăn như công ty Việt Tín sao mà dễ, ngồi chơi xơi nước cũng kiếm được hàng chục tỉ mỗi năm, chả mấy chốc mà thành doanh nghiệp nổi tiếng, khéo lại lọt vào tốp 100 rinh giải “Sao Vàng Đất Việt” trong nay mai. Mà không chỉ có Việt Tín đâu nhé, nghe nói các công ty khác trúng thầu chăm sóc cây xanh ở các quận khác trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng đều áp dụng chiêu kinh doanh “0 vốn 4 lời” kiểu như công ty Việt Tiến đã và đang làm.
Bỗng dưng nảy ý tưởng thử làm một vài phép tính và so sánh vu vơ: Một quận chi 18 tỉ chăm cây xanh, cả nước có 49 quận thuộc 5 TP trực thuộc trung ương vị chi là 882 tỉ. Còn 128 thành phố, thị xã thuộc tỉnh, cứ cho chi phí chỉ bằng một quận như Bình Thủy thì số tiền bỏ ra là 2304 tỉ. Mỗi năm, chưa tính các thị trấn thị tứ, các cơ quan công sở, chi phí chăm sóc cây xanh trong cả nước sẽ lên đến trên 3.000 tỉ. Trong lúc đó, dự toán chi phí trồng mới cho 1ha rừng tính theo thời giá năm 2012 ở Quảng Nam là 19.212.966 đồng. Với 3.000 tỉ, mỗi năm chúng ta có khoảng 150 ngàn ha rừng được trồng mới. Quả là một con số hấp dẫn!
Lại làm một phép so sánh khác: Bạn tôi công tác ở trường cao đẳng nọ, mỗi năm ngân sách cấp cho trường chưa vượt quá 20 tỉ. 150 cán bộ giáo viên cùng khoảng 3000 sinh viên xoay sở chật vật với nguồn kinh phí được cấp, mọi chi khác trong đó có chi cho hoạt động chuyên môn đều bị co lại hết cỡ cho vừa chiếc áo ngân sách chật hẹp. Nghĩ mà thấy… “tủi” cho cơ quan bạn. Đành rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng sao có nơi, có lúc đồng tiền ngân sách được “xài” thoải mái và dễ dàng đến thế?
Trở lại chuyện “bán cái” của công ty Việt Tiến, chả nhẽ sự bất thường ấy tồn tại mấy năm nay mà các cấp quản lí ở Bình Thủy, ở Cần Thơ không hay biết? Chả nhẽ việc gì cũng phải đợi đến khi dư luận, báo chí phanh phui ra thì các cấp có thẩm quyền mới lên tiếng rằng sẽ kiểm tra, sẽ xem xét? Ai cũng biết việc chăm cây xanh trên địa bàn thành phố phải thực hiện giữa ban ngày ban mặt với sự tham gia của nhiều người cùng máy móc phương tiện chứ không thể làm cúp mọp đêm hôm. Chả nhẽ doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi có phép “tàng hình” nên chủ đầu tư là Phòng quản lý đô thị quận Bình Thủy không hề hay biết? Có hay không uẩn khúc ở những gói thầu bất thường như thế?
Cho nên, dư luận hoàn toàn đồng tình với những câu hỏi mà báo chí đã đặt ra: Số tiền hàng chục tỷ đồng chênh lệch trên đã rơi vào túi ai (?!). Phải chăng có “thế lực” chống lưng cho doanh nghiệp, để họ "rộng đường" trúng thầu và thu lợi bất chính (?!).
Nguyễn Duy Xuân