Như báo Tri thức &Cuộc sống đã thông tin ở bài viết trước, Thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) đã ra quyết định chưa phù hợp, rồi thu hồi, điều chỉnh quyết định bồi thường, hỗ trợ cho bà Hà Thị Nghiêm, truy thu lại 800 triệu chi sai, nhưng đến nay, chưa hoàn thành để nộp lại ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, ở cương vị Lãnh đạo UBND Thành phố Sông Công, khi đặt bút ký Quyết định số 3028/QĐ-UBND rồi phải điều chỉnh, Phó Chủ tịch Lưu Trí Vượng phải chịu trách nhiệm gì? Việc loay hoay thu hồi 800 triệu đồng ngân sách nhà nước từ hộ dân Hà Thị Nghiêm cũng thuộc trách nhiệm đối với Phó Chủ tịch Lưu Trí Vượng và các cán bộ có liên quan?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, PV báo Tri thức &Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Câu chuyện nằm ở chỗ thiếu tinh thần trách nhiệm hay cố ý?
Trách nhiệm của Phó chủ tịch Lưu Trí Vượng trong câu chuyện này, sau khi đã ký và bồi thường cho hộ dân Hà Thị Nghiêm, mãi 2 năm sau khi có kiến nghị của hộ dân Đặng Đại Tôn mới ra quyết định thu hồi và truy thu số tiền đã bồi thường, là như thế nào, thưa ông?
Thực ra các hoạt động quản lý Nhà nước, có thiếu sót cũng không phải là hiện tượng hiếm.
Ở đây, người ký quyết định cũng có liên quan, nhưng cấp dưới tư vấn lên để thực hiện văn bản này, cũng cần phải làm rõ do trình độ năng lực còn hạn chế hay có lý do nào khác?
|
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn |
Trước tiên, cái chính đó là thiếu sót của bộ phận tham mưu, trình lên thì Phó Chủ tịch chỉ ký. Người nào ký mà phát hiện sai lầm phải chỉ đạo thu hồi lại.
Ban giải phóng mặt bằng ở các địa phương thường do Phó chủ tịch kiêm nhiệm, có trách nhiệm đi kiểm đếm, đo đạc, xác định các loại đất, các loại tài sản, lập phương án.
Phó chủ tịch là người chỉ đạo và ký vào những Quyết định đền bù giải phóng mặt bằng, cái mà để gây nhầm lẫn đó, thường là trách nhiệm của cả đơn vị đó, theo từng vị trí phân công công việc.
Trong trường hợp cố tình làm trái vì mục đích nào đó, lại là vấn đề khác. Ví dụ như vì mục đích tư lợi thì đó sẽ là vấn đề hình sự.
Tuy nhiên, câu chuyện xảy ra ở TP Sông Công, đã có Quyết định 259 để điều chỉnh lại một số nội dung trên Quyết định 3028, chúng ta có thể hiểu đây là nhầm lẫn, không có vấn đề tư lợi. Bây giờ trách nhiệm của Ban đó phải khẩn trương thu hồi
|
Quyết định 3028 |
|
Và Quyết định 259 điều chỉnh Quyết định 3028 |
Ủy ban kiểm tra cũng cần phải vào cuộc kiểm tra thiếu sót này, đây là lỗi do thiếu tinh thần trách nhiệm.
Trước tôi cũng từng làm quản lý Nhà nước, sai phạm này cũng tương đối phổ biến.
Để lại hậu quả sẽ khởi tố hình sự?
Việc loay hoay thu hồi 800 triệu đồng ngân sách nhà nước từ hộ dân Hà Thị Nghiêm cũng thuộc trách nhiệm đối với Phó Chủ tịch Lưu Trí Vượng và các cán bộ có liên quan? Thưa ông?
Trách nhiệm của người đứng đầu là phải nhanh chóng thu hồi lại ngân sách Nhà nước. Thông báo và thúc ép phía hộ gia đình bà Hà Thị Nghiêm hoàn lại tiền.
Nếu trong trường hợp thất thoát không thu hồi được. Giả sử như nhà bà Nghiêm đã nhận tiền bồi thường theo Quyết định 3028, mà không còn khả năng chi trả nữa, hoặc là đã đi nước ngoài, thì những người đã thực thi Quyết định này, bao gồm cả bộ phận tham mưu lẫn Phó chủ tịch Lưu Trí Vượng phải có trách nhiệm khắc phục cho Nhà nước.
Nếu hộ gia đình bà Hà Thị Nghiêm cố ý không hoàn tiền, thì sẽ đối diện với 1 tội danh hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Vụ việc có thể chuyển hồ sơ qua Cơ quan công an làm rõ.
Cuối cùng, đối với UBND TP Sông Công, trong trường hợp không thể khắc phục được, thì cũng có thể sẽ khởi tố vụ án về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Và cũng phải tổ chức kiểm điểm lại nguyên nhân nào dẫn đến xảy ra sự cố sai sót này, trách nhiệm các bên liên quan trong câu chuyện này. Và tại sao, Quyết định 259 đã ban hành từ ngày 21/2/2023 nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được, trách nhiệm của các bên liên qua như thế nào?
Xin cảm ơn ông
|
Một trong những khu vực phải di dời thực hiện dự án Quy hoạch mở rộng quảng trường và xây dựng hội trường thành ủy Sông Công |
Được biết, khi tổ chức thực hiện lập kế hoạch bồi thường dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường đi trung tâm hành chính xã Tân Quang, thành phố Sông Công, bộ phận tham mưu hay cán bộ thuộc UBND Thành phố Sông Công đã vô tình quên mất tình tiết rất quan trọng là Giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp cho hộ gia đình bà Hà Thị Nghiêm ngày 3/12/2018, do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Kiên ký.
Nội dung Giấy phép 3/12/2018 quy định rõ: “Công trình được tồn tại đến khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất để thực hiện quy hoạch. Chủ đầu tư phải tự dỡ bỏ công trình, không được đòi bồi thường phần công trình xây dựng”.
Sự việc này, mãi 2 năm sau mới được phát hiện khi hộ gia đình ông Đặng Đại Tôn kiến nghị. Và UBND TP Sông Công loay hoay thu hồi 800 triệu đồng ngân sách nhà nước từ hộ dân Hà Thị Nghiêm, do đã chi sai theo Quyết định 3028 ngày 11/11/2021.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin
Hải Minh