Một vụ cướp tài sản táo tợn và manh động xảy ra tại Trạm thu phí cao tốc TPHồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) vào sáng ngày 7/2 (mồng 3 tết), khi hai đối tượng Trần Tuấn Anh (26 tuổi quê ở Tiền Giang) và Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi quê tỉnh Nam Định) dùng súng và dao khống chế nhân viên cướp đi số tiền hơn 2,2 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngoài sự manh động, liều lĩnh của hai đối tượng từng là nhân viên của trạm thu phí này, dư luận còn quan tâm về số tiền thu được từ trạm thu phí TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Sẽ thật là choáng váng với doanh thu từ trạm thu phí trên nếu số tiền bị cướp lên đến 2,2 tỷ đồng được dư luận đồn đoán chỉ là tiền của ca thứ 3 trong một ngày. Bởi một ca trực trong khoảng 8 giờ đồng hồ và một ngày có 3 ca doanh thu lên đến hơn 6 tỷ đồng. Nhiều ý kiến còn đặt ra những giả thiết về sự gian dối trong báo cáo tài chính và đặt ra câu hỏi về nếu có số tiền chênh lệch lớn đến như thế sẽ vào túi của ai?
|
Trạm thu phí Dầu Giây. |
Tuy nhiên, ngay sau đó, trong bản thông cáo báo chí do Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) phát đi và lãnh đạo công ty này cũng trực tiếp trả lời một số tờ báo phủ nhận thông tin trên.
Đại diện VEC E khẳng định số tiền bị cướp trong vụ cướp trạm thu phí TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là 2,2 tỷ trong tổng số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3,2 tỷ đồng. Số tiền trên gồm tiền doanh thu của 2 ca ngày 04/02/2019, 3 ca ngày 5/02/2019 và 3 ca ngày 06/02/2019 (1 ca/8h), tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày tết (do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp tết); số tiền thực tế còn lại được kiểm đếm sau vụ cướp là hơn 1 tỷ đồng đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc Công ty CP dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cho biết, một ngày trạm thu phí TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thu được 3,3-3,4 tỷ đồng. Riêng những ngày cao điểm, lễ tết của năm 2018 (tết năm nay 2019 chưa thống kê) thì mỗi ngày thu từ 5 đến 6 tỷ đồng. Tổng kết năm 2018, công ty thu được khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.
Tất nhiên, đại diện VEC E cũng quả quyết rằng, thông tin có số doanh thu lên đến 6 đến 7 tỷ đồng/ngày là không đúng. Họ bị hiểu lầm, thậm chí khi trả lời phỏng vấn 1 tờ báo, đại diện VEC E còn xin đơn vị báo chí xác minh thông tin cụ thể và làm rõ trách nhiệm của người đưa tin không chính xác, gây hoang mang và bức xúc dư luận.
Tuy nhiên, giải thích của VEC E không lấy lại được niềm tin của nhiều người nhất là trong bối cảnh thời gian qua, người dân vẫn hoài nghi về cách tính tổng mức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí các dự án BOT. Nhất là khi cơ chế giám sát thực chất mức phí và lộ trình tăng phí chưa được chặt chẽ.
Một minh chứng khiến sự hoài nghi về sự minh bạch trong doanh thu phí BOT, vào năm 2016, khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do Công ty Cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ khai thác và quản lý, từ 18 giờ ngày 10/7/2016 đến 18h ngày 20/7/2016. Kết quả sau đó cho thấy, doanh thu phí 10 ngày tại cao tốc này là 19,85 tỷ đồng, bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được hơn 1,9 tỷ đồng cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó mà Công ty Cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông, chỉ ở mức 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ngày.
Dù hiện nay, đã có thông tư số 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ quy định khá chi tiết trách nhiệm của đơn vị thu phí như phải công khai tổng mức đầu tư của dự án, tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, không để xảy ra các hành vi gian lận phí dịch vụ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu phí. Không được can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu…
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp BOT có thực hiện nghiêm thông tư 49, có hay không các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT thì rõ ràng, trách nhiệm phải giải trình thuộc về cơ quan quản lý.
Một vấn đề được đặt ra hiện nay, việc triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) trên các trạm BOT được cho là một trong những lợi ích đem lại là sự minh bạch, công khai đối với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước cũng như toàn bộ người dân. Tuy nhiên, việc triển khai này đang bị chậm trễ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những lý do đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, có một số nhà đầu tư ngại sự minh bạch nên lần lữa thực hiện.
Trên thực tế, có tình trạng nhà đầu tư BOT muốn kéo dài thời gian thu vốn và để làm được điều đó họ sẽ đối phó bằng cách chần chừ triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng, giấu doanh thu, lưu lượng xe qua trạm. Hơn nữa, hiện nay, các số liệu về xe qua trạm, tiền thu BOT không có bên thứ 3 giám sát nên rõ ràng, con số thống kê không chính xác. Và tất nhiên, hậu quả sẽ dẫn đến sự thất thoát, kéo dài thời gian thu phí và người dân vẫn sẽ là những người chịu thiệt thòi.
Quay trở lại việc BOT cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây bị cướp, nếu triển khai ETC sớm có lẽ VEC E sẽ không bị dư luận hoài nghi về số tiền thu được trong một ngày tại trạm thu phí trên dù thu bao nhiêu tỷ đi nữa.
Muốn lấy lại niềm tin, các cơ quan thanh tra cần vào cuộc thanh tra quá trình thu phí tại trạm BOT cao tốc TPHCM - Long Thành- Dầu Giây. Bởi để chứng minh sự minh bạch của VEC E không chỉ đại diện VEC E lên tiếng mà rất cần sự vào cuộc và lên tiếng của các cơ quan thanh tra liên quan.
Thiên Nga